Sàn Temu: Chiến lược ‘đốt tiền’ để hút người mua

Giao diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu, Shein, 18… tràn ngập vào thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, người tiêu dùng cần cảnh giác về chiến lược “nâng giá hàng để khuyến mại lên đến 90%”. Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Giá thành hạ còn có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế hay nói cách khác là trốn thuế.

Thưa ông, Temu là ứng dụng mua sắm trực tuyến gửi hàng trực tiếp từ Trung Quốc tới tay người dùng tại Việt Nam đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội trong nước. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký, chưa được cơ quan Nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro như thế nào?

Sàn TMĐT Temu xuyên biên giới được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay, phía Bộ Công Thương cũng đã có những khuyến cáo tới người tiêu dùng. Dường như họ đang thực hiện chiến lược “đốt tiền” để hút người dùng, tức là người này giới thiệu người kia để được hưởng tỷ lệ chiết khấu cao. Có những mặt hàng được nâng giá cao, rồi áp mã khuyến mại để kích thích người mua. 

Thời gian qua, một số người tiêu dùng đã phàn nàn về việc đóng gói sản phẩm thiếu chuyên nghiệp, đó là chưa kể, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm gặp khó khăn.

Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc liên hệ phản ánh; nguy cơ rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký.

Theo ông, đối với hàng hoá giá rẻ tràn qua các sàn TMĐT như trên, cơ quan liên quan cần phải quản lý ra sao để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh?

Các cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng khi cấp phép cho các sàn TMĐT xuyên biên giới. Nếu không quản lý được các sàn này, gần như không thu được tiền thuế. Đối với hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, nếu không bỏ quy định hàng hóa dưới 1 triệu đồng không áp thuế, các doanh nghiệp nước ngoài lách luật qua "cửa" này, các nhà sản xuất trong nước sẽ bị “bóp nghẹt”. Về chính sách, cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng các sản phẩm bán trên nền tảng số không được hưởng thuế 0%, nhằm chống thất thu, gian lận trong hoàn thuế VAT.

Nhiều doanh nghiệp khi trao đổi với tôi, họ bày tỏ sự lo lắng, bất an khi hàng hóa từ nhà sản xuất qua sàn TMĐT được bán tận tay người tiêu dùng. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam phải qua bán hàng qua kênh truyền thống hay tham gia các sàn TMĐT, nhưng phải nộp mức phí lớn. 

Theo kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu (EU), những sàn TMĐT bán hàng tiêu dùng từ nước ngoài, không xét đến việc đã đăng ký với nhà nước hay chưa, tất cả đều phải đóng thuế VAT, sàn thương mại thu thuế VAT thay cho Chính phủ (Ví dụ, VAT tại Việt Nam là 10%). Để quản lý hiệu quả, ngành Thuế cần tham mưu, đề xuất các cơ sở pháp lý và liên tục hoàn thiện hệ thống quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việc này bao gồm việc đánh giá thực tiễn, sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế VAT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn, bảo đảm sự bình đẳng và minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà bán hàng nước ngoài… Đó là điều đầu tiên chúng ta cần hoàn thiện càng sớm càng tốt.

Vấn đề chuyển tiền xuyên biên giới, Việt Nam đã ký kết với một số nước nhưng tôi nghĩ rằng, việc kiểm soát chuyển tiền xuyên biên giới qua các ứng dụng/App thanh toán như: Zalo Pay, Samsung Pay, các app khác… cần được quan tâm hơn. Mặc dù đã có Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng khi thanh toán qua biên giới cần kiểm soát chặt chẽ, dù số tiền nhỏ dưới 1 triệu đồng. Điều này góp phần giúp các cơ quan Thuế quản lý được doanh thu bán hàng, đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn khi chuyển tiền đi, nhưng không may hàng không đảm bảo chất lượng, làm thế nào để được trả hàng, hoàn tiền.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 nhưng những điều khoản về vấn đề trên chưa được cập nhật, còn khá mờ nhạt, đặc biệt những người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông phải vào cuộc liên tục, cảnh báo những rủi ro liên quan đến người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng. Đó là chưa kể sàn TMĐT mới xuất hiện, sau khi đã lấy hết dữ liệu khách hàng, sàn TMĐT đó dùng chiêu bài “sập” để lấy dữ liệu của khách hàng.

Bên cạnh việc cơ quan quản lý xem lại giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước, về phía các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải thích ứng ra sao trong việc bán hàng để có thể cạnh tranh được với Temu, thưa ông?

Tôi nghĩ, các doanh nghiệp Việt Nam phải kết hợp với các sàn TMĐT để bán hàng, đưa trực tiếp hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải phải thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của thị trường kinh doanh, xu hướng người tiêu dùng, áp dụng những chuẩn mực trong quản trị quốc tế. 

Ví dụ, quản trị theo mô hình bền vững ESG (Môi trường -  Xã hội - Quản trị), sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, quản trị nội bộ phải thấm nhuần từ tư duy người lãnh đạo đến bộ máy điều hành, quy trình sản xuất được công khai minh bạch.

Thưa ông, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng cho rằng, cơ quan chức năng có thể áp dụng Nghị định 98 để xử lý vi phạm và ngăn chặn hoạt động các sàn TMĐT đã hoạt động mà chưa được cấp phép. Chế tài xử phạt hiện là "buộc gỡ bỏ", nhưng nếu doanh nghiệp không gỡ bỏ, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện?

Đối với các ứng dụng (App) hiện không có cơ chế yêu cầu CH Play và AppStore gỡ ứng dụng vi phạm. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể xử phạt nhưng chế tài áp dụng bổ sung là gỡ bỏ, chặn tên miền là khó thực hiện. 

Việt Nam đã có những cam kết thương mại với các nước hoặc doanh nghiệp không cần hiện diện ở Việt Nam, nhưng vẫn có thể bán hàng qua App. Vấn đề ở đây là cần phải cảnh báo người tiêu dùng và có biện pháp quản lý để thu thuế hiệu quả, khi đó giá hàng hóa của họ sẽ tương đương các sàn TMĐT khác đã đăng ký và cần duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Không chỉ thu hút bởi giá sản phẩm rẻ, miễn phí giao hàng, Temu còn có các chính sách thu hút người dùng Việt Nam, đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết của Temu đang rất hấp dẫn. Cụ thể, nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10 - 30%.
Minh Phương-Hồng Phượng (thực hiện)
Temu: Cơn sốt giá rẻ và mối lo với châu Âu
Temu: Cơn sốt giá rẻ và mối lo với châu Âu

Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử toàn cầu đã chứng kiến sự nổi lên của một hiện tượng mới mang tên Temu, nền tảng thương mại điện tử đến từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN