Đã không còn cảnh người dân xếp hàng dài đông đúc chờ lấy số giao dịch. Tuy nhiên, vẫn lác đác có người ngồi chờ ở các điểm bán vàng miếng SJC để được vào mua hàng trực tiếp bởi họ gặp khó khi đặt mua trực tuyến.
Tại một điểm bán vàng miếng SJC ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chú Văn Hùng (người dân sống trong quận) chia sẻ dù biết các ngân hàng hiện chỉ bán vàng cho người có giấy hẹn hoặc có lịch đăng ký trực tuyến nhưng sau nhiều lần được con hướng dẫn chú vẫn không đặt mua thành công nên muốn ra điểm giao dịch để được mua trực tiếp.
Chị Bích Thủy, một nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Những người có nhu cầu mua vàng như tôi, một nhân viên văn phòng, không thể ngày nào cũng đứng xếp hàng chờ tới lượt giao dịch được nên tôi rất ủng hộ hình thức đặt mua vàng trực tuyến hiện nay. Tuy vậy, dù đã nhiều lần vào website các ngân hàng để đặt mua, tôi vẫn thường nhận lại thông báo rằng ngân hàng đã nhận đủ số lượng đăng ký trong ngày, mời quay lại sau".
Theo chia sẻ từ đại diện các ngân hàng, với hình thức đặt mua vàng trực tuyến, ngân hàng cũng áp dụng số lượng tương tự với hình thức trực tiếp trước đó nên mỗi ngày chỉ phục vụ một lượng khách nhất định dẫn đến việc nhiều người không thể đặt lệnh thành công khi số lượng giao dịch đã hết. Đồng thời, ngân hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC/ngày.
Là ngân hàng đầu tiên cung ứng dịch vụ đặt mua vàng miếng trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng và bán vàng cho người dân, tiếp tục đưa việc bán vàng lên app (ứng dụng), thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo sự minh bạch và tiện lợi.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, việc bán vàng trực tuyến giúp người dân tiện lợi hơn, nhưng khó khăn trong việc mua vàng trực tuyến đang gây tâm lý khan hiếm, cần mở rộng quy mô bán để đáp ứng nhu cầu.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở nước ngoài, ông Hiếu cho rằng phát hành chứng chỉ vàng có thể là một giải pháp mà cơ quan quản lý có thể tính đến. Giải pháp này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.
"Như ở Mỹ, người dân không có thói quen mua vàng miếng hay vàng vật chất vì tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến an ninh và phải mua bảo hiểm để bảo vệ. Thay vào đó, họ mua chứng chỉ vàng trên thị trường chứng khoán. Các công ty kinh doanh vàng phát hành chứng chỉ vàng, ghi nhận số lượng và giá trị vàng rõ ràng, minh bạch, và giá trị của chúng biến động theo thị trường", ông Hiếu chia sẻ.
Do đó, vị chuyên gia đề xuất các cơ quan quản lý nên cân nhắc cho phép các nhà kinh doanh vàng phát hành chứng chỉ vàng và cho phép trao đổi chúng trên thị trường thứ cấp. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có nhiều ưu điểm như an toàn, tiện lợi, không lo gặp phải vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng và không phải trả phí gia công.
Tại cuộc họp với các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng vào ngày 21/6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp thu ý kiến, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, khẳng định Ngân hàng Nhà nước có đủ quyết tâm, nguồn lực, công cụ để thực hiện các giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài để thị trường vàng phát triển ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Sau 3 tuần triển khai bán vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng và Công ty SJC, giá vàng SJC đang ổn định ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể so với mức chênh lệch gần 20 triệu đồng/lượng trước đây.
Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới biến động khó lường, người dân cần thận trọng, tránh hiệu ứng tâm lý đám đông khi mua vàng để hạn chế rủi ro.