Siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng giả

Thời điểm cuối năm, mức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh để phục vụ cho dịp Noel, dịp Tết... Đây cũng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng lậu tăng cường hoạt động.

Gia tăng hàng giả

Ông Trần Thanh Kha - Quản lý kinh doanh toàn quốc tập đoàn NGK Việt Nam cho hay, sau gần 3 năm công ty mở văn phòng chính thức ở Việt Nam thì sản phẩm bugi NGK chiếm 70% thị phần. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất hiện nay, hàng giả đang nhái bugi thật mỗi năm mỗi tăng với số lượng lớn. Qua nghiên cứu thị trường cho thấy, khi mua 2.000 chiếc bugi trên cả nước thì có đến 200 chiếc bị làm giả. Hàng giả được các DN trong nước sản xuất bằng cách nhái hoàn toàn về kiểu dáng thương hiệu NGK hoặc nhập khẩu các sản phẩm giả nhãn thương hiệu nước ngoài từ Trung Quốc về tiêu thụ.

Các sản phẩm như mũ bảo biểm, mỹ phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

Không chỉ doanh nghiệp NGK mà còn hàng ngàn doanh nghiệp khác cũng bị thiệt hại nặng về doanh số, mất thị phần tiêu thụ, bị ảnh hưởng uy tín bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ví dụ như Tập đoàn Hoa Sen đánh giá thiệt hại do hàng giả, hàng nhái trong năm 2014 là trên 100 tỷ đồng, tương đương 2,6% thị phần. Công ty CP Công nghệ Việt - Nhật chuyên sản xuất điện gia dụng không chỉ bị giả hàng hoá mà còn bị những kẻ lừa đảo bán hàng giả “mượn” cả địa chỉ, số điện thoại đường dây chăm sóc khách hàng hứa tặng quà, khuyến mại… Chỉ đến khi khách hàng tìm đến công ty yêu cầu giải quyết các khiếu nại về chất lượng và đòi quà khuyến mại như đã “hứa” thì họ mới biết mình đã mua phải hàng giả.

Trước thực trạng này, nhiều DN đã kết nối, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, bên cạnh đó, các DN cũng lên kế hoạch tự ứng phó. Theo ông Nguyễn Ngọc Tí, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, lượng nón Sơn bị làm giả ngày càng nhiều, trong khi đó công tác phối hợp chống hàng giả lại không hiệu quả. Vì vậy, Công ty Nón Sơn quyết định lên kế hoạch “tự chống” hàng giả.

Tăng cường kiểm soát

Nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại là do các đơn vị có nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái lực lượng mỏng, thiếu trang thiết bị trong khi thị trường rộng, các vi phạm ngày càng tinh vi. Việc xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, không đủ để các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái từ bỏ bởi lợi nhuận kiếm được cao hơn nhiều so với tiền nộp phạt nếu bị phát hiện.

Theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, người tiêu dùng nếu mua phải hàng nhái, hàng giả được quyền khởi kiện ra tòa theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên đa số họ không chọn biện pháp này do ngại tham gia tố tụng. Do đa số các vụ khiếu nại liên quan đến hàng giả, hàng nhái thường chỉ được giải quyết bằng việc hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa nên chưa đủ tính răn đe.

“Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó ý thức tiêu dùng của người dân và sự tuyên truyền mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. DN cũng cần trang bị những “vũ khí” tốt hơn để phòng chống việc làm giả hàng hóa của mình bên cạnh công tác phối hợp với cơ quan chức năng”, ông Phong chia sẻ thêm.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 9 quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 149.926 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt ước đạt hơn 8.759 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời khởi tố 987 vụ với 1.120 đối tượng.



Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Cần mạnh tay với hàng giả
Cần mạnh tay với hàng giả

Cần xử lý hình sự, cho phá sản, thậm chí cấm hoạt động vĩnh viễn các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) khi giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN