Số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng hơn 3 lần trong tháng 6

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, cả nước có 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% so với tháng trước và gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Chú thích ảnh
 Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) trồng thanh long theo quy trình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn châu Âu (EUREPGAP), xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ. Ảnh minh họa: Quang Nhựt/TTXVN

Cùng với đó, cả nước có 13.900 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,9% và tăng 33,7%.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 4,8% và số vốn đăng ký tăng 14,6%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10 tỷ đồng, tăng 16,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707.500 tỷ đồng, giảm 0,5% về số doanh nghiệp và giảm 19,8% về vốn đăng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 9.300 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu tính cả 958.700 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25.200 lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 1,666 triệu tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 113.600 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm nay có 799 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước; 18.100 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,5%. Riêng khu vực du lịch có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,1%.

Trong các lĩnh vực hoạt động, ngành bất động sản chỉ có 2.179 doanh nghiệp mới thành lập, giảm đến 58,9% so với cùng kỳ năm trước - giảm mạnh nhất trong các lĩnh vực. Số doanh nghiệp giải thể cũng tăng mạnh nhất lên 21,6% với 654 doanh nghiệp.

Ngược lại, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có 3.412 doanh nghiệp thành lập mới - tăng cao nhất trong các lĩnh vực, đạt 11,3%; nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng tăng đến 10,9% với 479 doanh nghiệp, chỉ đứng sau bất động sản.

Ngoài ra, ngành công nghiệp, chế biến chế tạo có 8.999 doanh nghiệp thành lập mới và 990 doanh nghiệp giải thể, lần lượt giảm 8,6% và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong quý II/2023, có 27,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; có 36,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh ổn định và 35,8% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp đánh giá, những yếu tố chính ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II gồm: nhu cầu thị trường trong nước thấp (55,5%); khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước (47,2%); nhu cầu thị trường quốc tế thấp (34%); khó khăn về tài chính (32,2%) và lãi suất vay vốn cao (31,6%).

Ngoài ra, một số yếu tố như: thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; khả năng cạnh tranh hàng hóa nhập khẩu; thiếu lao động; thiết bị công nghệ lạc hậu… cũng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của các doanh nghiệp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo các chuyên gia kinh tế, với các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nghị quyết sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành hạ cũng là động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tín dụng giúp nền kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới cùng với các chính sách tài khóa của Chính phủ. 

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Nhà điều hành cũng khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao

Mới đây, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) ra mắt Vsign (tại địa chỉ www.vsign.vn) cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, in mẫu form C/O theo chuẩn mẫu của Bộ Công Thương và nhiều tiện ích khác nhằm giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thời gian tra cứu thông tin hoặc thực hiện công việc một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn…

Thúy Hiền (TTXVN)
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023

6 tháng đầu năm 2023, GDP của cả nước tăng 3,72%, CPI bình quân tăng 3,29%; đầu tư nước ngoài giảm 4,3%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 9,3 lần...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN