Cột mốc tái cấu trúc
Hệ thống điện quốc gia bao gồm 4 khâu chính gồm: Nguồn điện, truyền tải, phân phối, tiêu thụ điện năng. 4 khâu này cơ bản vẫn thuộc EVN (ngoại trừ nguồn điện có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân) vì thế nhiều ý kiến đặt ra lo ngại, ngành điện thiếu đi sự cạnh tranh trong thị trường điện.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, báo cáo, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi EVN để đảm bảo tính độc lập, khách quan của đơn vị này; tăng thêm sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng cho thị trường điện Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường…
Sau nhiều thảo luận, xây dựng dự thảo, thống nhất chủ trương, ngày 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc tách A0 từ EVN và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Quyết định số 753/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, NSMO sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của A0 do A0 và EVN đang thực hiện liên quan đến A0 theo quy định pháp luật.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN cho rằng, việc tách Trung tâm này từ EVN và thành lập Công ty NSMO trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển giao về Bộ Công Thương không chỉ là một sự thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức mà còn là một bước tiến lớn, khẳng định sự phát triển và trưởng thành của ngành điện lực Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, việc điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia an toàn, ổn định và tin cậy là công việc rất hệ trọng, thuộc thẩm quyền, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, công tâm giữa các đối tượng chịu sự tác động.
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thành lập NSMO 100% vốn nhà nước để hoạt động độc lập với EVN; đồng thời, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại NSMO từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương quản lý, bởi Bộ Công Thương có đầy đủ chức năng, bộ máy và nhân lực chuyên môn để quản lý, điều hành hiệu quả lĩnh vực này.
Đây cũng là đòi hỏi khách quan, tất yếu của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh.
Với nhiệm vụ là nhạc trưởng của hệ thống điện Việt Nam, NSMO tiếp tục có nhiệm vụ lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy, điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; góp phần đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đồng thời đầu tư, quản lý, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hạ tầng hệ thống viễn thông công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và năng lượng tái tạo.
NSMO đảm bảo hoạt động bền vững, hiệu quả; tối ưu hóa chi phí, quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước đầu tư tại NSMO hiệu quả và đúng quy định; và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc tách A0 ra khỏi EVN và chuyển sang Bộ Công Thương là bước đi đúng đắn và quan trọng để phát triển một thị trường điện bền vững. Đồng thời sẽ góp phần tăng thêm sự minh bạch, công bằng cho thị trường điện cạnh tranh sắp tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Sớm hoàn thành quy chế phối hợp để vận hành
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia A0 (nay là NSMO) tuy đã được tách ra độc lập với EVN nhưng đều là hai doanh nghiệp nhà nước, được Chính phủ giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng điện Quốc gia dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Vì vậy, để bảo đảm cho NSMO tiếp tục vận hành ổn định, liên tục, hiệu quả sau chuyển giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây cũng yêu cầu NSMO khẩn trương phối hợp chặt chẽ với EVN hoàn thành dự thảo Quy chế chế phối hợp hoạt động, vận hành giữa 2 bên theo mô hình mới; trình Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp trước ngày 15/8/2024 để xem xét phê duyệt, đưa vào thực thi nhằm bảo đảm việc vận hành, cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, tin cậy, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân.
Cùng đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo bộ quyết định sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cần thiết để phục vụ cho quá trình hoạt động của NSMO, bảo đảm NSMO hoạt động ổn định, liên tục, hiệu quả với tinh thần chung là mọi hoạt động và các chế độ chính sách, phương tiện, điều kiện bảo đảm trong giai đoạn đầu có thể chưa hơn, nhưng không thể kém hơn so với thời điểm A0 còn trực thuộc EVN.
Theo đó, Cục Điều tiết điện lực làm đầu mối giám sát trực tiếp và toàn diện hoạt động của NSMO, không để xảy ra rủi ro, sự cố do các yếu tố chủ quan trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia; phê duyệt giá điều độ hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện năm 2024 theo nguyên tắc bảo đảm để NSMO có lợi nhuận hợp lý và thu hồi chi phí hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị EVN tiếp tục hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án đang triển khai trước khi bàn giao chuyển về NSMO theo quy định của pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với NSMO trong điều hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm ổn định, hiệu quả.
Công ty TNHH Một thành viên NSMO - sau khi có đầy đủ các điều kiện, cơ chế pháp lý cho hoạt động sản xuất, Công ty cần chủ động tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động và các giải pháp cụ thể, khả thi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có), bảo đảm công tác vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, tin cậy và vận hành thị trường điện công bằng, công tâm, minh bạch, góp phần cùng với EVN và các đơn vị có liên quan bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh…