Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài khoảng 66 km (đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km, qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km), có tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động 9.095 tỷ đồng. Chủ đầu tư đề xuất dự án là liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (liên danh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện chủ đầu tư).
Đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài gần 74 km đi qua tỉnh Lâm Đồng, có tổng mức đầu tư khoảng 19.521 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 7.761 tỷ đồng (giai đoạn I, vốn Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn tỉnh Lâm Đồng 1.500 tỷ đồng, còn 3.661 tỷ đồng dự kiến bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất), vốn nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng, vốn huy động 9.996 tỷ đồng. Chủ đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang là đại diện liên danh, chủ đầu tư).
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, các công tác chuẩn bị khởi công 2 dự án đang được UBND 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai triển khai song song và đang khẩn trương rà soát ranh giới, diện tích chồng lấn giữa các quy hoạch địa phương với quốc gia để điều chỉnh theo đề xuất của các bộ, ngành liên quan, đảm bảo mục tiêu tiến độ. Hai địa phương cũng đang hoàn thiện hồ sơ khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT mới đây với 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, triển khai thi công, bàn giao mặt bằng; phân bổ và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án theo thẩm quyền việc cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ đất, đá, cát...
Đến thời điểm hiện tại, hai tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đã thống nhất phương án thực hiện và đang triển khai các thủ tục theo đúng quy định về trồng rừng thay thế; quy hoạch bổ sung 7 mỏ vật liệu xây dựng. Các địa phương có cao tốc đi qua đã sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư cho 2 dự án; đồng thời, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc xác định bãi đổ thải đất thừa công trình, chuyển đổi đất rừng và phương án thực hiện, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khởi công.
Hưởng ứng đợt thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát động cuộc thi đua hoàn thành 140 km cao tốc qua địa phương.
Hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương là 2 đoạn tuyến thuộc Dự án thành phần cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 200 km, sau khi hoàn thành sẽ kết nối thông tuyến với cao tốc Liên Khương - Prenn và đèo Preen, nối TP Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.