Vì vậy, việc sớm xem xét thông qua Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, trong đó có đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đang được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ “nút thắt” dai dẳng nhiều năm này.
Hầu hết đều vướng giải phóng mặt bằng
Là chủ đầu tư của hơn 20 dự án đầu tư công của tỉnh Hà Nam, trong chủ yếu là các cái dự án hạ tầng giao thông kết nối có tính chất liên vùng, ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam biết: “Hiện tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh cơ bản đang bị chậm về tiến độ do giải phóng mặt bằng”.
Tại dự án nút giao thông Phú Thứ (xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, Hà Nam) - dự án giao thông kết nối liên vùng có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, mặc dù tiến độ vẫn đáp ứng yêu cầu nhưng trên thực tế cũng không “thoát” khỏi khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc dự án điều hành nút giao thông Phú Thứ, vướng mắc lớn nhất của dự án là khâu giải phóng mặt bằng. Thực tế là dự án đi qua rất nhiều nhiều khu mộ của dân nên việc giải phóng mặt bằng chỉ có thể thực hiện vào những tháng cuối năm do liên quan đến yếu tố tâm linh của hầu hết người dân.
Làm rõ những khó khăn về giải phóng mặt bằng trong triển khai dự án đầu tư công, ông Lê Đức Phúc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, tại Khoản 1, Điều 5 của Luật Đầu tư công 2019, việc tách giải phóng mặt bằng từ dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A tại Hà Nam cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Đối với cả các dự án nhóm B, địa phương không được phép tổ chức thực hiện tách các dự án giải phóng mặt bằng của dự án nhóm B, nhóm C thành các dự án riêng lẻ.
Cùng chung khó khăn này, bà Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ, các dự án có quy mô giải tỏa đền bù lớn như các dự án đường giao thông hoặc dự án đô thị tại Đà Nẵng gặp nhiều vướng mắc do “vướng” các quy định pháp lý về đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nhìn tổng thể, thời gian thực hiện dự án đầu tư công bị kéo dài và có thể phải điều chỉnh quy mô của dự án. Vì vậy, những vướng mắc này đã được Đà Nẵng đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, bà Lê Thanh Tùng cho biết.
“Nút thắt” sẽ sớm được gỡ
Trong nhóm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Đây là đề xuất mới trong khi quy định hiện hành trong Luật Đầu tư công năm 2019 chỉ cho phép tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đánh giá cao đề xuất mới này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, nhiều địa phương đã bày tỏ kỳ vọng các dự án đầu tư công sẽ được đẩy nhanh tiến độ sau khi “nút thắt” giải phóng mặt bằng được tháo gỡ.
Bà Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng tin tưởng: “Các dự án có thể cho phép tách đền bù thành dự án độc lập thì các điều chỉnh này sẽ giúp cho quá trình triển khai thực hiện dự án của các địa phương được nhanh chóng hơn”.
Cũng liên quan đến nội dung giải phóng mặt bằng, ông Lê Đức Phúc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp khó khăn về giải phóng mặt bằng thành 10 trường hợp trong nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư và kéo dài thời gian giải ngân vốn bởi đối với dự án theo tuyến như dự án giao thông hoặc dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp thì việc thu hồi, giải phóng mặt bằng rất lớn, không thể tổ chức thực hiện ngay trong thời gian một năm. Theo đó, Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi cần bổ sung xem xét thêm một trường hợp về khó khăn giải phóng mặt bằng để dự án được kéo dài thời gian bố trí vốn cũng như là kéo dài thời gian giải ngân vốn sang năm sau, ông Phúc đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho rằng việc tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng cần gắn với việc điều chỉnh Điều 8, Điều 9 của Luật Đầu tư công về tăng tổng mức đầu tư. Hiện nay, tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng nên Dự thảo Luật sửa đổi có đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập thì cũng cần có quy định cụ thể về tổng mức đầu tư.
Để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước khi tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhưng kèm theo các điều kiện. Theo dự kiến, Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn với quy trình một kỳ họp, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 này.