Báo cáo của Cục trồng trọt cho thấy, sản xuất trồng trọt năm 2024 diễn ra trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình sản xuất năm qua được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực, đồng thời đã góp phần cho việc xuất khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, rau quả...
Cụ thể, tổng diện tích gieo cấy lúa đạt hơn 1 triệu ha (giảm 3,8 nghìn ha so với năm 2023); năng suất ước đạt hơn 60 tạ/ha (tăng 0,37 tạ/ha) và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn (tăng 15,6 nghìn tấn so với năm 2023). Trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích gieo cấy lớn nhất với 524 nghìn ha và sản lượng đạt 3,2 triệu tấn. Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày luôn được các địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng. Ngoài ra cũng từng bước hoàn thiện các kỹ thuật canh tác, sơ chế, tồn trữ, bảo quản, vận chuyển... đạt vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần tăng giá trị và lợi nhuận. Tính đến nay, toàn vùng có hơn 73,3 nghìn ha cây trồng, hoa màu các loại như: bắp, khoai, các loại đậu…
Bên cạnh đó, toàn vùng hiện có hơn 410 nghìn ha (chiếm 32,6% tổng diện tích cả nước) với hơn 15 loại cây ăn trái chính. Các địa phương trong vùng đã và đang hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: sầu riêng, thanh long, chanh leo, bơ, xoài, chôm chôm, nho, táo… Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất các cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su...
Nổi bật, trong năm 2024, các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Toàn vùng có hơn 11.460 ha chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu, cây ăn trái…
Thông tin về tình hình sản xuất tại Bình Thuận, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND cho biết, Bình Thuận là “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Toàn tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 356 nghìn; có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn. Bình Thuận có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỉnh Bình Thuận đã xác định nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột để phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt khoảng 308 nghìn ha, đạt hơn 100% kế hoạch. Tỉnh đã thúc đẩy và hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Địa phương tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để duy trì ổn định các loại cây trồng chủ lực như: thanh long, cây cao su, điều, sầu riêng…
Theo Cục trồng trọt, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp trong năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khắc nghiệt của nắng nóng và hạn hán kéo dài. Mặc dù đã chủ động ứng phó nhưng sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, thành trong vùng vẫn bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Toàn vùng đã có hơn 2.900 ha lúa và 6.517 ha cây lâu năm, cây công nghiệp cùng hang nghìn ha cây hoa màu bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Ngoài ra, sản lượng một số cây ăn trái như: bơ, vải, sầu riêng giảm mạnh do thời tiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với địa phương vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 2025. Trước mắt, hoàn thành mục tiêu vụ Đông xuân 2024 - 2025 tập trung gieo trồng cho hơn 40 nghìn ha lúa; đảm bảo sản lượng đạt 2,6 triệu tấn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đánh giá cao kết quả sản xuất nông nghiệp các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đạt được trong năm 2024; góp phần quan trọng trong việc bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra tại các tỉnh, thành phía Bắc vừa qua.
Để bảo vệ an toàn, đạt hiệu quả cao đối với các vụ sản xuất trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị, địa phương tuân thủ nghiêm túc kế hoạch sản xuất lúa Vụ Đông 2024 - 2025 của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, điều tiết nguồn nước linh hoạt, hợp lý, đảm bảo cho sản xuất; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất cây trồng theo chuỗi, sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm; rà soát nguồn lực cung ứng giống cây trồng, phân bón đảm bảo chất lượng... đáp ứng nhu cầu nông dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu và nội địa; tiếp tục hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu; chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông sản nói chung và cây trồng nói riêng. Đồng thời tăng cường chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, bảo quản chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy cây trồng lợi thế…
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai khác liên quan đến lĩnh vực trồng trọt.