Tây Nguyên trong vòng xoáy sốt đất - Bài 3: Cảnh báo đồng bào dân tộc thiểu số bán đất

Tây Nguyên được ví như mái nhà của Đông Dương, là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Ê Đê, Gia Rai, M’Nông, Xê Đăng, Mạ... Cuộc sống của bà con hiện nay còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi giá đất tăng cao, cùng với những chiêu trò dụ dỗ của “cò đất”, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng Tây Nguyên đã cắt đất để bán.

Trước mắt, người dân chỉ nhìn thấy có lợi khi thu về một khoản tiền lớn nhưng lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. 

Chú thích ảnh
Các biển quảng cáo bán đất nhan nhản tại đồi thông xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai), là khu đất nền đang "sốt" trên địa bàn vì địa giới giáp ranh với thành phố Pleiku. Ảnh: Hồng Điệp /TTXVN

Chưa thấy lợi, đã bị lừa

Sốt đất đang đã len lỏi khắp Tây Nguyên, không chỉ ở thành thị mà còn lan tới nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong vòng xoáy sốt đất, những buôn làng vốn bình yên nay trở nên xôm tụ hẳn khi các “nhà đầu tư” về sẵn sàng xuống tiền tỷ để thu gom.

Tại tỉnh Đắk Lắk, một số buôn trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột như Kom Leo (phường Tân Lập), các buôn ở xã Cư Ê Bua, Ea Kao, Ea Tu được giới đầu tư bất động sản quan tâm nhiều nhất do gần tiện ích, giá vẫn "mềm". Đích ngắm tiếp đó là những xã giáp ranh như Cư Suê (huyện Cư M’gar), Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) – nơi được "đồn thổi" là sau này sẽ nhập về thành phố Buôn Ma Thuột.

Nhắc đến hệ quả của sốt đất, không thể không kể đến trường hợp của nhiều hộ dân ở xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã trải qua vào thời điểm năm 2018 - 2019. Thời điểm đó, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Suê đã bán đất để có tiền chữa bệnh, xây nhà, trả nợ ngân hàng. Song một số đối tượng sau khi đặt cọc, tự nhận tách thửa đất, sang tên rồi tự ý tách toàn bộ đất thổ cư vào sổ của mình hoặc cầm giấy tờ đất đai và trốn mất. 

Gia đình chị H’Ngưng Êban, sinh năm 1975, buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê có hơn 2.500 m2. Năm 2020, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi có người đến hỏi mua, vợ chồng chị bán bớt 1.000 m2 đất với giá 550 triệu đồng. Do không biết chữ, vợ chồng chị H’Ngưng để cho bên mua làm thủ tục tách thửa, sang tên. Đến khi mua bán đã xong, vợ chồng chị mới phát hiện 400 m2 đất thổ cư đã theo 1.000 m2 về với chủ mới. Phần diện tích còn lại cùng căn nhà vợ chồng chị mới xây hoàn toàn là đất nông nghiệp.

Tương tư, gia đình chị H’Na Niê, sinh năm 1994 cũng bán 1.000 m2 đất với giá 610 triệu đồng và thương lượng sẽ cắt 200 m2 đất thổ cư cho người mua. Song sau khi giao dịch mua bán đã hoàn thành, gia đình mới biết bên mua đã cắt hoàn toàn 400 m2 đất thổ cư vào sổ của họ. Diện tích còn lại và căn nhà gia đình chị đang ở là đất nông nghiệp.

Buôn trưởng buôn Sút M’đưng Y Hoa Niê cho hay, buôn có 354 hộ thì 95% dân tộc thiểu số; trong đó, có hơn 120 hộ đã bán đất, 4 hộ bị lừa lấy hết đất thổ cư. Nguyên dân do người dân trình độ thấp, không kiểm tra kỹ hợp đồng khi công chứng nên bị người mua lừa. Đa số các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, nếu muốn chuyển đổi phần đất nông nghiệp đang ở lên đất thổ cư sẽ tốn nhiều tiền.

Tại buôn Sút Hluốt, xã Cư Suê cũng có 10 gia đình bị lấy hết phần đất thổ cư khi giao dịch mua bán đất đai. Đáng chú ý, trong buôn có 2 trường hợp bán đất, người mua đặt cọc và cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi làm thủ tục, xong đã hơn 3 năm nay, số tiền còn lại và “sổ đỏ” mãi không thấy người mua trả lại.

Anh Y Đạt Niê, sinh năm 1998, buôn Sút Hluốt kể lại, năm 2020, cha mẹ anh bán 900 m2 đất với giá 610 triệu đồng cho ông Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1979, trú tại phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Mục đích bán đất để có tiền chữa bệnh cho mẹ của anh Y Đạt Niê.

Bên mua đã đưa cho gia đình anh 400 triệu đồng và cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 3.800 m2 của gia đình anh để đi làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng. Song đã hơn 2 năm nay, người mua vẫn chưa quay lại trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa số tiền còn lại. Cha mẹ anh Y Đạt Niê đã mất và hiện nay, khi anh Y Đạt Niê liên lạc với người mua nhưng khi nghe đến tên cha mẹ anh thì họ nói nhầm số và cúp máy.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị H’Loet Kẽn, sinh năm 1998, buôn Sút Hluốt cũng bán 1.000 m2 đất với số tiền 640 triệu đồng vào tháng 12/2019 cho ông Nguyễn Thanh Hải. Sau khi đưa 340 triệu đồng và cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người mua hẹn một tháng sau quay lại trả, song đến nay vẫn “bặt âm vô tín”.

Chủ tịch UBND xã Cư Suê Đặng Văn Hoan cho biết, xã đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân về các trường hợp bị lừa hết đất thổ cư. Một số trường hợp người dân khi phát hiện bị lừa hết đất thổ cư đã xảy ra xô xát với người mua. Tuy nhiên, các vụ việc này người dân mua bán đất chủ yếu tự giao dịch, ra văn phòng công chứng tư nhân, không thông qua địa phương. Khi xã phát hiện thì sự việc đã rồi. Còn những trường hợp giao dịch tại UBND xã thì cán bộ xã sẽ xem kỹ hợp đồng, hướng dẫn người dân để tránh bị thiệt hại.

Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số bán đi tư liệu sản xuất cũng diễn ra tương tự ở các tỉnh Tây Nguyên khác. Tại tỉnh Kon Tum, Làng du lịch cộng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đang trở thành “mục tiêu” của các đối tượng “cò đất”. Làng có hộ dân là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), chuyển về từ vị trí làng cũ cách làng mới hơn 1 km.

Toàn bộ đất ở làng cũ được bà con giữ lại để canh tác nông nghiệp, chủ yếu trồng bời lời, cà phê, cây ăn quả. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các đối tượng “cò đất” đã tìm đến làng, đồn thổi về việc khu vực làng cũ đã được quy hoạch thành khu du lịch, nếu bà con trong làng không bán đất thì sẽ bị Nhà nước thu hồi và đền bù với giá rất rẻ.

Bà Y Lim - làng Kon Bring cho biết, hiện đã có hơn 10 hộ dân trong làng bán rẫy ở khu vực làng cũ, với giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, sau khi sang tên, những người chủ mới nhanh chóng bán lại cho người khác với giá cao gấp 2 - 3 lần. Đơn cử như gia đình ông A Thơm đã bán 6.200 m2 đất rẫy với giá 500 triệu đồng cho một người buôn bất động sản tại thị trấn Măng Đen. Đến nay, người này đã bán lại cho nhiều người khác đến từ thành phố Kon Tum với tổng giá trị lô đất lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Măng Đen, Quyết định 298/QĐ-TTg năm 2013 về “Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ thì khu vực làng cũ của làng Kon Bring chỉ là rừng và lúa nước, không quy hoạch làm dự án nào.

“Việc mua bán đất hiện nay tại Măng Đen diễn ra rất rầm rộ, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để vẽ ra quy hoạch, mua đất với giá rẻ và bán lại với giá cao để hưởng chênh lệch. Thậm chí, một số hộ dân không đồng ý bán đất thì các đối tượng mời uống rượu say, sau đó viết giấy bán đất”, ông Lâm nói.

Khó kiểm soát

Giá đất tăng cao, nhiều hộ đồng bào sẵn sàng cắt một phần đất để bán nhằm giải quyết công việc trước mắt hoặc chi tiêu trong gia đình. Về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy, nhưng vấn đề này rất khó kiểm soát.  

“Mình lo lắm, mình cũng khuyên bảo bà con trong làng là không được bán đất, phải để lại cho con, cho cháu nhưng nhiều người không nghe đâu. Bởi đi làm cực khổ mà tự nhiên có vài trăm triệu để mua đồ đạc hay xây nhà thì họ sẽ chọn bán đất. Vì đây là tài sản của họ nên chỉ khuyên chứ không quyết định được. Nếu cứ bán hết, chả biết sau này con cái họ sẽ lấy gì làm ăn sinh sống”, bà Y Lim, làng Kon Bring lo lắng.

Ông Châu Văn Lâm cho biết, để ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho bà con bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, gặp đâu nói đó và lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp về bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi, bởi đó là tài sản của người dân. “Thuận mua vừa bán”, việc bà con bán đất là quyền của họ, chính quyền địa phương khó can thiệp được.

Tuy Đức là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông - địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào M’Nông. Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã định cư tại đây hàng nghìn năm nay. Đây cũng là một trong hai huyện của Đắk Nông được xếp vào danh sách các huyện nghèo của cả nước.

Lãnh đạo huyện Tuy Đức cho biết, Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, điển hình như Tỉnh lộ 1 kết nối hai huyện Đắk R’Lấp – Tuy Đức, dự án phát triển khu vực biên giới (từ cửa khẩu Bu Prăng đi qua hai huyện Tuy Đức, Đắk Song và nối vào đường Hồ Chí Minh)… nên địa phương đang dần “thay da đổi thịt”.

Tuy nhiên, giá đất tăng cao cũng khiến địa phương đau đầu vì sợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất. Đất đai là tư liệu sản xuất chính và chỉ trong vài năm, giá đất đã tăng gấp nhiều lần nên khiến bà con "lung lay" đem bán – lãnh đạo huyện Tuy Đức trăn trở.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang cho biết, “cò đất” dùng nhiều thủ đoạn để người dân bán đất. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc bán đất sẽ khiến họ dần mất đi tư liệu sản xuất, người dân sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói; thậm chí, nảy sinh tệ nạn xã hội và nạn phá rừng làm nương rẫy cũng gia tăng.

Trước đây, việc giao dịch mua bán phải thông qua cán bộ địa chính xã, phường thì nay chỉ cần ra phòng công chứng, thoát đi sự quản lý của địa phương. Tình trạng này cần sớm có giải pháp khắc phục. Việc mua bán cần qua địa phương xác nhận để siết chặt và quản lý tốt hơn. Ngoài ra, các trường hợp mở đường trên đất nông nghiệp, xây dựng khu nghỉ dưỡng tự phát và có thái độ chống đối, thách thức chính quyền cùng lực lượng chức năng, cần cương quyết xử lý, có đủ căn cứ cơ sở thì tiến hành khởi tố - Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Tiến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum thông tin, huyện đã khuyến cáo người dân không chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các trường hợp khác nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích, phân lô bán nền.

Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã yêu cầu chính quyền các địa phương và văn phòng đăng ký đất đại huyện không đồng ý cho chuyển nhượng nếu diện tích đất trong hộ gia đình còn dưới 500 m2. Nếu cán bộ nào đồng ý cho chuyển nhượng sẽ bị xử lý nghiêm. Việc này sẽ giúp cho bà con giữ lại được đất là phương tiện sản xuất để nuôi sống họ.

Bài 4: Sốt đất ảo, hệ lụy thật

Nhóm PV Ban biên tập Tin kinh tế và các CQTT Tây Nguyên (TTXVN)
Tây Nguyên trong vòng xoáy sốt đất - Bài 2: 'Loạn' phân lô bán nền
Tây Nguyên trong vòng xoáy sốt đất - Bài 2: 'Loạn' phân lô bán nền

Lợi dụng kẽ hỡ trong chính sách, pháp luật về đất đai, sự yếu kém trong quản lý của chính quyền, thậm chí có sự móc nối, tiếp tay của cán bộ nên nhiều người dân, nhà đầu tư, cò đất đã mua gom diện tích rộng có thổ cư, đất nông nghiệp sau đó phân lô, bán nền để trục lợi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý đất đai ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN