Quy mô dự án gồm 3 gói thầu xử lý 10 đoạn sạt lở, tổng chiều dài 2.373 m, kinh phí 249 tỷ đồng; trong đó, vốn hỗ trợ của Trung ương khoảng 200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.
Theo Giám đốc Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, xác định ý nghĩa và tính cấp bách của dự án, ngay sau nghi thức động thổ vào cuối tháng 6/2024, Ban đã đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị khẩn trương triển khai thi công các gói thầu, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào phục vụ, giảm nhẹ thiên tai, giúp người dân vùng đầu nguồn sông Tiền ổn định sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới diện mạo nông thôn.
Qua ghi nhận thực tế tại công trường, cả ba nhà thầu: Công ty cổ phần phát triển hạ tầng 116, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 40, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Thủy lợi TICCO sau ba tháng khẩn trương thi công đều đang nỗ lực chạy đua nước rút để rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn thành công trình trước thời hạn cam kết.
Tại gói thầu do Công ty cổ phần phát triển hạ tầng 116 thực hiện, đến cuối tháng 9/2024, khối lượng đạt khoảng 80%. Ông Nhữ Văn Đức, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng 116 cho biết, với sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của chủ đầu tư, nhà thầu đã tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ gói thầu. Với tình hình triển khai như hiện tại, gói thầu dự kiến sẽ về đích vượt tiến độ khoảng 1 tháng.
Tại gói thầu do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 40 thực hiện, tiến độ đang hết sức khẩn trương. Ông Trịnh Bá Kiên, chỉ huy trưởng công trình cho biết, đơn vị đã thực hiện đạt khoảng 70% khối lượng công việc được giao sau ba tháng triển khai kể từ ngày khởi công.
Tuy mới khởi công vào ngày 10/7/2024 nhưng đến cuối tháng 9/2024, gói thầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng thủy Lợi TICCO cũng đã đạt trên 70% khối lượng công việc.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây Dựng Thủy lợi TICCO cho biết, trong quá trình thi công, đơn vị nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong công tác đền bù, hỗ trợ nên việc triển khai gói thầu thuận lợi. Doanh nghiệp hiện triển khai thi công theo phương án cuốn chiếu, đóng cọc đến đâu tập trung nhân lực, phương tiện thi công đến đó nên tiến độ rất nhanh.
Kênh 28 nối sông Tiền với các xã vùng Đồng Tháp Mười của huyện đầu nguồn Cái Bè (Tiền Giang) với tỉnh Đồng Tháp, Long An đóng vai trò là thủy lộ huyết mạch kết nối phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Đồng Tháp Mười thuộc phạm vi ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ kênh 28 hết sức nghiêm trọng, đe dọa sản xuất, đời sống cũng như an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, nhất là vào mùa mưa lũ đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, trước yêu cầu cấp bách của công trình nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, một mặt Ban tích cực đôn đốc các nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nhanh nguồn vốn hỗ trợ các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, mặt khác phối hợp cùng UBND huyện Cái Bè khẩn trương giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch phục vụ thi công.
Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2024, Ban đã giải ngân được gần 116 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn giao năm 2024 là 200 tỷ đồng, đạt gần 58%. Giám đốc Nguyễn Đàm Thanh Tuyến đánh giá, với tiến độ hiện nay, dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên kênh 28 sẽ hoàn thành trước cuối tháng 12/2024, đáp ứng mong đợi của người dân địa phương lâu nay phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở bờ kênh 28 với những thiệt hại khó lường.