Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, đây là sự kiện quan trọng đối với địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực chính ngạch đi thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Để đảm bảo chất lượng và uy tín nông sản xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Tiền Giang cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu bền vững, ông Phạm Văn Trọng yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp xanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và môi trường,…
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chia sẻ, ngoài những loại trái cây khác thì Tiền Giang cũng là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 20.650 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 234.000 tấn quả và đang không ngừng mở rộng. Những năm qua, Tiền Giang đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ về chính sách nhân rộng các mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp dừa tại địa phương phát triển mạnh mẽ, giúp bà con nông dân tăng thu nhập và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn vào mục tiêu đưa cây dừa Việt Nam thành cây xuất khẩu tỷ đô trong thời gian tới.
Ông Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần FADO iExport (FADO), đơn vị liên kết với Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc cho biết, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay Việt Nam đã có 15 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; trong đó có mặt hàng dừa tươi mới được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Trước đó dừa Việt Nam đã xuất đi hơn 15 nước trên thế giới.
Để đáp ứng nhanh nhu cầu mua hàng của đối tác Trung Quốc, FADO phối hợp cùng Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) tổ chức phối hợp xuất khẩu dừa tươi. Mặt khác, doanh nghiệp còn liên kết Công ty cổ phần Proship xây dựng giải pháp vận chuyển dừa tươi bằng container lạnh tự hành thế hệ mới, đảm bảo ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong suốt hành trình, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Phạm Tấn Đạt, mặt hàng dừa tươi xuất khẩu là mặt hàng có yêu cầu cao trong quá trình vận chuyển. Quả dừa phải được bảo quản lạnh ổn định 2 - 3 độ C, độ ẩm 30%, thông gió: 25CBM/H trong suốt quá trình vận chuyển. Để đáp ứng chất lượng lô hàng, khách hàng Trung Quốc có thể giám sát nhiệt độ, độ ẩm trong container từ xa liên tục 24/7, giải pháp này đảm bảo chất lượng trái dừa tươi khi sang đến Trung Quốc không bị suy giảm, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Tiền Giang và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Hơn thế đây là lần đầu tiên trái dừa tươi được Công ty cổ phần Proship vận chuyển bằng đường sắt đi sâu vào nội địa các tỉnh Trung Quốc. Ưu điểm của phương thức vận chuyển đường sắt có thủ tục thông quan xuất nhập khẩu nhanh chóng, không bị ùn ứ tại cửa khẩu, chi phí vận chuyển cạnh tranh hơn đường bộ. Từ đó, mở ra hướng mới trong việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản tươi nói chung, dừa tươi Tiền Giang nói riêng trong tương lai.