Là tấm gương điển hình về học tập, làm theo lời Bác, luôn cần cù, chịu thương chịu khó trong phát triển kinh tế, anh còn được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen nông dân sản xuất giỏi.
Anh Vừ A Lồng sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Lướng, là bản có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng lúa nên còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, sau khi lấy vợ, sinh con, anh chị tách ra ở riêng, gia đình nhỏ của anh Lồng càng thêm khó khăn. Với mong muốn phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình nhưng phải bắt đầu từ đâu, nuôi con gì, trồng cây gì để thay đổi cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo... là những câu hỏi khiến Vừ A Lồng luôn trăn trở.
Vừ A Lồng nhớ lại, ngày mới tách ra ở riêng, hai vợ chồng nghèo lắm, không có vốn để phát triển kinh tế. Anh đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào làm, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc chăm sóc vật nuôi, môi trường chăn nuôi tại nhà bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh khiến lợn ốm chết. Mô hình nuôi lợn do anh Lồng làm chủ bị thất bại.
Không nản chí, năm 2019 anh tiếp tục vay thêm 80 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi lợn. Có được nguồn vốn, anh mua 2 ha đất, thuê máy xúc, đào ủi tạo mặt bằng phục vụ việc chăn nuôi. Để có thêm kiến thức, anh Vừ A Lồng tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi lợn ở các địa phương khác. Cùng với đó, trong quá trình vừa chăm sóc, anh vừa tự tìm tòi, không ngừng tích lũy kiến thức. Dần dần, anh Lồng đã biết cách áp dụng kỹ thuật, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch; đàn lợn của anh phát triển tốt. Hiện nay, trang trại nuôi lợn của anh có 12 lợn nái, trung bình mỗi năm sinh sản 2 lứa, cho ra cả trăm lợn giống chất lượng.
Với lợi thế đất đai rộng và đặc thù thổ nhưỡng thuận lợi, ngoài nuôi lợn, gia đình anh Lồng luôn duy trì đàn bò khoảng 15 con, đàn dê khoảng 20 con và hàng trăm con gia cầm. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh Lồng thu nhập ổn định từ 150 đến 170 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã có “của ăn, của để” và chăm lo cho 4 con ăn học. Năm 2022, gia đình anh còn mua được xe ô tô, trở thành hộ dân đầu tiên trong bản có xe ô tô riêng.
Ghi nhớ lời Bác dạy đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau phát triển kinh tế, với vai trò là Bí thư Chi bộ, nhiều năm qua, anh Vừ A Lồng luôn tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tư duy làm kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không chỉ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, anh Lồng còn thường xuyên giúp đỡ người dân trong bản, trong xã và các xã lân cận về kỹ thuật, vốn và con giống để cùng mở rộng chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Anh Hờ A Dẩu, người dân xã Nặm Lịch chia sẻ: "Hai năm trước với mong muốn có lợn gây giống để chăn nuôi phát triển kinh tế, gia đình tôi đã được anh Lồng tạo điều kiện giúp đỡ và chia sẻ lợn giống. Nhờ đó, hai năm qua, gia đình tôi luôn duy trì đàn lợn 25 con. Việc chăm sóc theo đúng hướng dẫn của anh Lồng đã giúp đàn lợn nhà tôi phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, bán được giá. Từ đó, gia đình tôi có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học".
Không chỉ năng động, tâm huyết đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương, anh Vừ A Lồng còn là tấm gương tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi. Từ năm 2018 đến năm 2023, anh đã nhận được nhiều giấy khen và bằng khen các cấp. Năm 2023, anh Vừ A Lồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.