Chín năm là Bí thư Đoàn xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) anh Hờ A Tu, người dân tộc Mông, không chỉ là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa dân tộc. Phát huy vai trò tiên phong của thủ lĩnh Đoàn, anh Tu đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen bản địa quy mô 500 con/lứa, đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Anh Hờ A Tu cho biết, thời gian đầu, khi mới bắt tay triển khai mô hình, anh gặp không ít khó khăn, do kỹ thuật, kinh nghiệm còn hạn chế nên đàn gà chậm phát triển. Thế rồi vừa làm, vừa tự tìm tòi học hỏi cách làm trên sách báo, internet, anh Tu dần biết cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đàn gà của anh phát triển ổn định và đem lại thu nhập cho gia đình.
Sau khi phát triển mô hình hiệu quả, anh Tu đã tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên cùng tham gia để phát triển kinh tế gắn liền với gìn giữ nguồn giống gà đen bản địa để thúc đẩy du lịch phát triển, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Tận dụng lợi thế của địa phương, anh cùng các đoàn viên trong xã thành lập các đội văn nghệ thôn, bản phục dựng lại các điệu múa cổ, bài hát của đồng bào vùng cao phục vụ du khách gần xa.
Anh Tu cho biết, đội văn nghệ đang hoạt động rất hiệu quả, cứ đến cuối tuần là tham gia các show diễn của huyện, các khu Homestay phục vụ du lịch, qua đó đem lại một phần thu nhập nhỏ cho đoàn viên thanh niên.
Tham gia một chương trình văn hóa, văn nghệ do anh Tu tổ chức tại địa phương, chị GAL (du khách đến từ Thụy Sỹ) rất ấn tượng và thú vị khi được tận mắt chứng kiến những điệu múa đẹp, cuốn hút của các chàng trai, cô gái cũng như cảnh sắc tuyệt đẹp và văn hóa của người dân nơi đây.
Huyện Mù Cang Chải còn nhiều thủ lĩnh Đoàn cơ sở năng nổ khác như anh Sùng A Dà, Bí thư Chi Đoàn Trung tâm Thể thao và Văn hóa huyện Mù Cang Chải - người gắn liền với mô hình chăn nuôi lợn bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của mô hình, anh Dà tích cực vận động nhiều đoàn viên thanh niên cùng tham gia thực hiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Anh Sùng A Dà chia sẻ: Trước đây, gia đình anh có nhiều năm chăn nuôi lợn nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Phát huy vai trò tiên phong của thủ lĩnh Đoàn ở cơ sở, anh đã đầu tư vốn mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn bản địa. Hiện, gia đình anh duy trì nuôi được 12 con lợn nái và trên 10 con lợn thịt. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cùng với đầu ra ổn định, mô hình chăn nuôi lợn bản địa đã thành công đem lại mức thu nhập gần 200 triệu/năm cho gia đình.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh Dà còn rất năng nổ trong công tác Đoàn và hoạt động chuyên môn tại đơn vị. Đặc biệt, những buổi truyền thông ở cơ sở luôn được anh Dà và các đồng nghiệp chuẩn bị chu đáo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; từ đó, kịp thời tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Anh Giàng A Ly, Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải cho biết: “Những Bí thư Đoàn cơ sở này đều là những thanh niên tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao.
"Trong năm 2023, những tấm gương điển hình tiên tiến như anh Sùng A Dà và Hờ A Tu đều được nhận Giấy khen, Bằng khen của Đoàn Thanh niên các cấp... Không chỉ giỏi làm kinh tế, những Bí thư Đoàn cơ sở này còn tích cực tham gia hoạt động, công tác Đoàn, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình và địa phương”, Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải thông tin thêm.
Những tấm gương sáng, những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu đã và đang tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong đội ngũ cán bộ Đoàn nói riêng và đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải nói chung. Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần xung kích đi đầu, những thủ lĩnh Đoàn cơ sở người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mù Cang Chải giúp lan tỏa năng lượng tích cực đến đông đảo đoàn viên, thanh niên các dân tộc, góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.