Cuộc đời của Paul Alexander có thể được coi là một bi kịch. Không thể tự thở, bị liệt từ cổ trở xuống suốt 7 thập kỷ do bệnh bại liệt, song ông chưa từng để căn bệnh bại liệt hay “lá phổi sắt” cản trở cuộc sống của mình.
Lá phổi sắt thực chất một ống trụ kim loại lớn có thể thay đổi áp suất không khí để kích thích hô hấp. Thiết bị này giúp những bệnh nhân bị liệt không thể hít ôxy bình thường có thể thở được. Nhiều người mắc bệnh bại liệt sẽ chết nếu không có sự hỗ trợ của lá phổi sắt, và một số người đã dành phần đời còn lại của mình bên trong thiết bị này.
Trên thực tế, tất cả các bác sĩ đều tin rằng Alexander sẽ không qua khỏi vào năm 1952, khi còn là cậu bé 6 tuổi mắc bệnh bại liệt. Alexander nhớ lại ký ức đáng sợ khi ở trong khoa bại liệt của bệnh viện và nghe các bác sĩ nói chuyện về trường hợp của mình.
“Cậu bé sẽ không qua khỏi hôm nay”, họ nói. “Cậu bé không thể sống”.
Nhưng những câu nói đó như động lực tiếp thêm sự mạnh mẽ và khao khát được sống cho Alexander. Không ai ngờ rằng, trong chiếc phổi sắt, Alexander đã thực hiện điều mà rất ít người có thể làm được. Cậu bé đã tự học cách thở theo cách riêng. Sau đó, cậu không chỉ sống sót mà còn vươn lên mạnh mẽ bên trong chiếc máy thở bằng sắt cho đến khi qua đời ở tuổi 78.
Bi kịch ập đến…
Vào một ngày tháng 7 oi ả năm 1952, tại bang Texas, cuộc sống của cậu bé Alexander đã thay đổi hoàn toàn. Dịch bại liệt đã bùng phát và hoành hành khắp nơi khiến mọi người không dám ra khỏi nhà vì sợ hãi căn bệnh lạ không có thuốc chữa. Các hồ bơi, rạp chiếu phim và hầu hết các địa điểm tụ tập công cộng khác đều đóng cửa.
Thời điểm đó, cậu bé Alexander đang vui chơi ngoài trời cùng anh trai thì đột nhiên cảm thấy mệt và chạy vào nhà. Mẹ Alexander kể lại cậu bé lúc đó trông như người mất hồn. Bà đã gọi đến bệnh viện, nhưng các nhân viên y tế nói rằng không còn chỗ cho cậu bé. Cách tốt nhất là cố hồi phục tại nhà.
Tuy nhiên, sau 5 ngày, Alexander mất hết mọi chức năng vận động. Cậu bé không thể cầm bút chì màu, nói, nuốt hoặc ho. Không còn lựa chọn nào khác, mẹ của Alexander đã vội vã đưa cậu đến phòng cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đều đang bận rộn điều trị cho các bệnh nhân bại liệt khác. Họ nói rằng trường hợp của Alexander không thể cứu chữa. Cậu bé được đặt lên cáng và để ở hành lang. Alexander cảm thấy vô cùng khó thở. May mắn, một bác sĩ vội đi qua đã nhìn thấy cậu bé, nghĩ rằng cậu bé vẫn còn tia hy vọng nên đã đưa Alexander vào phòng phẫu thuật để mở khí quản.
Ba ngày sau đó, Alexander tỉnh dậy trong một lá phổi sắt, không thể cử động hay nói chuyện. Bao quanh cậu bé là một “biển” trẻ em khác đang được hỗ trợ bởi những chiếc máy thở khổng lồ. Theo thời gian, Alexander đã cố gắng giao tiếp với những đứa trẻ khác thông qua biểu cảm khuôn mặt. Nhưng không có người bạn mới nào của cậu bé sống được lâu.
“Mỗi lần tôi có thêm một người bạn mới, người đó lại chết”, Alexander kể lại với tờ Guardian (Anh) vào năm 2020.
Nhưng sức sống của Alexander dường như mãnh liệt hơn. Với sự hỗ trợ của “lá phổi sắt”, cậu vẫn có thể duy trì hô hấp. Thiết bị này đã trở thành vật “bất ly thân” với Alexander. Nếu không có thiết bị này, một bộ phận thay thế cơ hoành, Alexander sẽ không thở được. Mỗi khi được các y tá đưa đi tắm hoặc đi vệ sinh, cậu bé phải nín thở.
Tương lai của Alexander không mấy tươi sáng, nhưng cậu bé đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Khi về nhà, cậu bé bắt đầu tăng cân và dần có thể dành một giờ, rồi hai giờ, thở mà không cần lá phổi sắt. Tuy nhiên, khi đi ngủ, Alexander vẫn phải sử dụng thiết bị này.
Năm 1954, chuyên gia vật lý trị liệu Sullivan đã liên lạc với gia đình Alexander và đề nghị giúp đỡ. Bà Sullivan làm việc với March of Dimes, một tổ chức từ thiện xóa sổ bệnh bại liệt. Không lâu sau, bà bắt đầu dành thời gian cho Alexander, và cậu bé bắt đầu tin tưởng bà mặc dù rất sợ bác sĩ và y tá.
Với sự hỗ trợ của bà Sullivan, cậu bé Alexander đã thực hành cách giữ không khí trong khoang họng và rèn luyện các cơ để đẩy không khí xuống qua dây thanh quản vào phổi, kỹ thuật này được gọi là “thở ếch”. Bà Sullivan nói với Alexander rằng nếu cậu có thể thực hiện kỹ thuật này trong 3 phút, bà sẽ mua tặng cậu một chú chó con.
Alexander mất 1 năm để đạt mục tiêu đó, nhưng anh vẫn không ngừng tập luyện để chinh phục những thành tích lớn hơn. Alexander ao ước có ngày cậu sẽ được vui chơi thoả thích cùng người bạn mới - chú chó tên là Ginger - ngoài trời nắng.
Theo đuổi việc học
Sau khi ra viện, Alexander đã có nhiều bạn và có thể thở mà không cần “lá phổi sắt” trong thời gian dài hơn. Thỉnh thoảng những người bạn đẩy cậu đi dạo quanh khu phố trên xe lăn vào buổi chiều. Tuy nhiên, vào ban ngày, những người bạn này đều bận rộn ở một nơi mà Alexander vô cùng muốn đến: đó là trường học.
Mẹ của Alexander đã dạy cậu những bài đọc cơ bản, nhưng nhà trường không đồng ý cho cậu bé học ở nhà trong thời gian lâu như vậy. Sau đó, họ đã nhượng bộ, và Alexander nhanh chóng bắt kịp bạn bè, lấy lại thời gian đã mất khi ở bệnh viện. Cha của Alexander đã sáng chế chiếc bút gắn vào một thanh nhựa rồi ngậm trong miệng để con trai có thể viết.
Alexander đăng ký vào Đại học Southern Methodist, nhưng bị từ chối vì là người khuyết tật. Tuy nhiên, giống như mọi nhiệm vụ khó khăn khác, Alexander không bỏ cuộc. Cuối cùng anh đã thuyết phục nhà trường cho theo học đại học với hai điều kiện. Thứ nhất, Alexander sẽ phải tiêm vaccine bại liệt mới được phát triển và thứ hai là tìm người đưa anh đến lớp.
Và giống như nhiều thanh niên khác, Alexander đã có một tình yêu đẹp. Trong thời gian học đại học, anh đã gặp Claire và họ đã đính hôn. Thật không may, mẹ của Claire đã ngăn cản không cho Alexander tiếp tục qua lại với con gái bà.
“Tôi đã mất nhiều năm để chữa lành vết thương đó”, Alexander kể lại.
Sau thời gian sống ở nhà, Alexander cuối cùng đã chuyển đến ký túc xá của Đại học Texas tại Austin. Anh đã thuê một người chăm sóc để hỗ trợ các công việc thể chất và vệ sinh.
Năm 1978, Alexander tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ luật năm 1984. Sau đó, anh nhận được một công việc giảng dạy thuật ngữ pháp lý tại một trường dạy nghề trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi luật sư. Chàng trai sống trong “lá phổi sắt” đã trở thành luật sư 2 năm sau đó.
Suốt hàng chục năm, Paul Alexander đã làm luật sư ở Dallas và Fort Worth. Ông cũng đã tham dự các phiên tòa trên chiếc xe lăn nâng đỡ cơ thể bại liệt của mình. Suốt thời gian đó, Alexander vẫn luôn tập thở không dùng lá phổi sắt lâu hơn.
Vaccine bại liệt đã được phát triển vào những năm 1950 và đến những năm 1970, căn bệnh này mới được xoá sổ tại Mỹ. Khi đó, Alexander và lá phổi sắt của ông dần trở thành “di tích” của một thời đại đã qua.
“Bạn không thể tin được có bao nhiêu người bước vào văn phòng luật của tôi, nhìn thấy lá phổi sắt của tôi và nói: 'Đó là gì vậy’. Và tôi sẽ nói với họ rằng đó là lá phổi sắt. ‘Nó có tác dụng gì?' 'Thở thay tôi.' 'Tại sao?' 'Tôi bị bại liệt khi còn nhỏ.' 'Bại liệt là gì?' Ồ không”, ông kể lại.
Đôi khi ông lo lắng rằng bệnh bại liệt sẽ quay trở lại, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối tiêm vaccine.
Nhưng hầu hết mọi người chưa từng trải qua những gì ông đã trải qua. Alexander sống với lá phổi sắt của mình cho đến khi qua đời vào năm 2024, nhưng ông không bao giờ ngừng lạc quan.
Cuộc sống đầy cảm hứng của Paul Alexander trong những năm cuối đời
Đến tuổi 70, ông Alexander hoàn toàn phải dựa vào phổi sắt để thở.
“Thật kiệt sức”, ông chia sẻ với tờ The Dallas Morning News về kỹ thuật thở ếch hồi năm 2018. “Mọi người nghĩ tôi đang nhai kẹo cao su. Tôi đã phát triển nó thành một nghệ thuật”.
Tuy nhiên, Alexander vẫn sống lâu hơn cả cha mẹ và anh trai của ông. Alexander thậm chí còn sống lâu hơn cả “lá phổi sắt” ban đầu của mình. Khi thiết bị bắt đầu bị rò rỉ không khí, ông đã đăng video lên YouTube để nhờ mọi người giúp đỡ. Một kỹ sư địa phương đã tìm một thiết bị khác để tân trang.
Alexander dựa vào công nghệ để sống, nhưng cũng dựa vào nhiều thiết bị khác để giải trí. Thiết bị điều khiển thông minh Amazon Echo đặt gần lá phổi sắt của ông là một trong số đó. Nó chủ yếu được sử dụng để ông nghe nhạc Rock and roll.
Ông Alexander cũng viết một cuốn hồi ký có tựa đề “Three Minutes for a Dog: My Life in an Iron Lung”. Ông mất hơn 8 năm để viết cuốn sách này, sử dụng công cụ gõ bàn phím bằng miệng hoặc đôi khi đọc chính tả cho một người bạn viết thay.
Mặc dù cần được chăm sóc tích cực vào cuối đời, nhưng không có gì có thể ngăn cản Alexander. Ông vẫn lạc quan trong cuộc sống, và thậm chí trên mạng xã hội, cho đến khi qua đời.
Cái chết của Paul Alexander
Cuộc sống của Paul Alexander đã thay đổi vì một căn bệnh. Và cái chết của ông cũng do một căn bệnh gây ra. Năm 2024, ông mắc COVID-19 ở tuổi 78.
Vào cuối tháng 2/2024, Alexander nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong video trên nền tạng TikTok, người quản lý phương tiện truyền thông xã hội của ông giải thích rằng ông đã được đưa gấp đến phòng cấp cứu và căn bệnh này thực sự, thực sự nguy hiểm đối với tình trạng của Alexander.
Mặc dù Alexander có thể xuất viện, nhưng ông vẫn yếu và có dấu hiệu lú lẫn. Ông qua đời vài tuần sau đó, vào ngày 11/3/2024.
Cái chết của ông đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời truyền cảm hứng. Dù nghe thấy các bác sĩ nói rằng ông sẽ không sống được, Alexander đã quyết tâm không chỉ sống mà còn sống có ý nghĩa. Ông theo đuổi việc học, có việc làm và duy trì niềm đam mê với cuộc sống. Alexander thậm chí còn theo kịp công nghệ mới và bắt đầu lan toả câu chuyện của mình trên TikTok vào tháng 1.
“Tôi có một số ước mơ lớn. Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ ai giới hạn cuộc sống của tôi. Sẽ không ai có thể. Cuộc sống của tôi thật đáng kinh ngạc”, ông Alexander từng chia sẻ.