Giải mã tầm quan trọng của 'Mặt trời thi ca Nga' Pushkin - Kỳ cuối

Khi nói đến Pushkin, không thể chỉ ca ngợi những đóng góp về mặt ngôn ngữ của ông. Pushkin đã viết nhiều tác phẩm và trong đó người đọc tìm thấy quan điểm, ý tưởng và niềm tin của ông.

Kỳ cuối: Quan điểm chính trị trong thơ ca

Chú thích ảnh
Chân dung nhà thơ Pushkin. Ảnh: Wikipedia

Giống như nhiều nhà văn xuất sắc, Pushkin không khép mình khỏi đời sống công cộng và chính trị. Vì là người dễ xúc động và không kiềm chế được bản thân nên ông đã công khai bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề quan trọng trong nhiều tác phẩm. Ông phản ứng mạnh mẽ với những gì đang xảy ra xung quanh mình và nói ra nhiều điều khiến ông bận tâm, thường là bất chợt.

Vì điều này, một người không quen thuộc với tác phẩm của Pushkin sẽ khó hiểu được quan điểm của nhà thơ: Ông có thể lên án Sa hoàng Nicholas I trong một bài thơ và chỉ trích gay gắt người nước ngoài trong một bài khác.

Pushkin công khai ủng hộ bãi bỏ chế độ nông nô và chỉ trích gay gắt các cơ cấu thực thi pháp luật. Ông ủng hộ cuộc nổi dậy của những người tháng 12 (Decembrist) năm 1825 và đồng cảm sâu sắc với họ. Năm 1818, ông viết bài thơ “Gửi Chaadaev”, kết thúc bằng những dòng sau (do AI dịch từ bản tiếng Anh):

“Bạn ơi, hãy vững niềm tin:

Trời cao đang báo bình minh huy hoàng

Nước Nga từ giấc mơ dài

Vươn mình thức dậy, đập tan bạo quyền

Tên ta khắc giữa hoang tàn!”

Các học giả đã không đồng ý về một kết luận liên quan đến những dòng này. Một số người tin rằng Pushkin chủ trương lật đổ chế độ quân chủ và thành lập một hệ thống chính trị mới. Còn những người khác nói rằng ông chỉ phản đối chế độ chuyên quyền và chuyên chế, nhưng không bác bỏ sa hoàng và chế độ quân chủ. Điều sau có vẻ hợp lý hơn, vì bản thân nhà thơ đã cống hiến hết mình cho nước Nga và tin rằng mục tiêu cao nhất của mỗi người Nga là phục vụ đất nước.

Tuy nhiên, việc Pushkin từ chối chấp nhận nhiều khía cạnh trong chính sách đối nội của Nga đã đóng một vai trò đáng tiếc trong cuộc đời ông. Ông bị hai sa hoàng khác nhau là Alexander I và Nicholas I đày đi lưu vong vì đã chỉ trích chính sách của họ vào những thời điểm khác nhau. Sau khi Nicholas I lên ngôi vào năm 1825, Pushkin bị cảnh sát mật theo dõi và đôi khi không được phép rời khỏi nước.

Trên thực tế, do có tính bộc trực nên Pushkin đã có một “người giám sát”, đó là Bá tước Alexander von Benckendorff - Chỉ huy Quân đoàn hiến binh riêng và lãnh đạo cảnh sát mật. Pushkin và Benckendorff thường xuyên trao đổi thư từ và chính Benckendorff là người đã cấm Pushkin đi ra nước ngoài vào năm 1829. Tuy nhiên, hai năm sau, Benckendorff cho phép nhà thơ quay trở lại phục vụ chính quyền sau khi Pushkin yêu cầu được vào thư viện để viết về Peter Đại đế.

Mối quan hệ của Pushkin với chính quyền khá nghịch lý. Một mặt, họ không thích nhà thơ vì ông có quan điểm quá tự do, nhưng mặt khác, họ biết ông là một người yêu nước chân chính và một thiên tài, nên không muốn kiểm duyệt ông. Chịu đựng những lời chỉ trích (thường là xúc phạm) của ông còn dễ hơn là để Nga mất đi một người như Pushkin.

Tầm vóc nhân cách của Pushkin rộng lớn đến mức các tác phẩm của ông luôn có mặt ở Nga và không bị kiểm duyệt trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nước Nga nào. Các hoàng đế không thích ông nhưng không ngăn cản xuất bản các tác phẩm của ông. Sau khi bãi bỏ chế độ nông nô vào năm 1861, Pushkin gần như được coi là một nhà tiên tri ở Nga. Ngay cả cơ quan kiểm duyệt của Liên Xô, vốn nổi tiếng là rất khắc nghiệt, cũng không cấm Pushkin. 50 năm trước, các tác phẩm của ông đã được nghiên cứu trong trường học một cách kỹ càng như ngày nay.

Không chỉ thơ ca mà cái chết của nhà thơ vĩ đại Pushkin cũng đã trở thành sự kiện gần như thần thoại trong văn hóa Nga.

Người Nga biết rằng nhà thơ được yêu mến nhất nước đã chết một cách đau đớn sau một cuộc đấu tay đôi và tha thứ cho tất cả những ai đã làm hại ông. Cũng như rất nhiều cuộc đấu tay đôi, nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng là do phụ nữ.

Pushkin là một người bốc đồng và đã đấu tay đôi nhiều lần. Quả thực, trận đấu dẫn tới cái chết của ông là lần thứ hai ông thách đấu Georges d’Anthès, một sĩ quan Pháp trong Lực lượng Vệ binh Nga, vì đã bôi xấu danh dự của ông.

Lần đầu tiên thách đấu là vào tháng 11/1836, khi ông nhận được một tờ thông tin ẩn danh có tên “Giấy chứng nhận của một kẻ bị cắm sừng”, trong đó ám chỉ rõ ràng là vợ ông Natalya Goncharova không chung thủy. Ở St. Petersburg, có tin đồn rằng Sa hoàng Nicholas I đã có tình cảm đặc biệt với Goncharova, nhưng rõ ràng Pushkin không thể thách thức Sa hoàng nên ông đã chọn phương án khả thi thứ hai mà ông thấy: d’Anthès. Tuy nhiên, d’Anthè đã sớm cầu hôn Ekaterina Goncharova, em gái vợ của Pushkin, khiến nhà thơ phải hủy bỏ lời thách đấu.

Tin đồn bắt đầu lan truyền trở lại sau đám cưới và nhà thơ cho rằng nguồn tin đồn là Baron van Heeckeren, Đại sứ Hà Lan tại Nga và là cha nuôi của d'Anthès, nên đã viết cho ông này một bức thư cay độc. Những bình luận không mấy tốt đẹp mà Pushkin nói với cả đại sứ và con trai nuôi đã khiến ông Heeckeren phải thông báo rằng lời thách thức ban đầu vẫn có hiệu lực.

Cuộc đấu tay đôi diễn ra tại Chernaya Rechka ở ngoại ô St. Petersburg và có những quy tắc vô cùng khắc nghiệt. Ở các nước châu Âu khác, các đấu thủ thường bắn nhau ở khoảng cách 25-30 bước, nhưng trong trường hợp này khoảng cách chỉ được đặt ở mức 10 bước.

D’Anthès nổ súng trước và khiến Pushkin bị thương nặng ở bụng. Pushkin ngã xuống đất nhưng vẫn kịp bắn vào đối thủ, sượt qua tay phải của d’Anthès. Nhà thơ qua đời hai ngày sau đó.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ cuộc đấu súng của Pushkin (người giơ súng) và đối thủ. Ảnh: rbth.com

Các cuộc đấu tay đôi ở Nga đã bị Peter Đại đế cấm và do đó cuộc đấu của Pushkin diễn ra trong bí mật. Hình phạt cho ai tham gia rất nặng nề, thậm chí là tử hình. Khi nằm hấp hối, thông qua bác sĩ của Sa hoàng, Pushkin đã cố gắng xin Nicholas I tha thứ cho người hỗ trợ và làm chứng của mình là Konstantin Danzas. Nhờ đó, Danzas chỉ bị giam trong Pháo đài Peter và Paul trong hai tháng.

Sa hoàng Nicholas đã chu cấp cho gia đình Pushkin sau khi ông chết. Sa hoàng đã trả hết nợ cho Pushkin, ra lệnh trả trợ cấp cho gia đình Pushkin một khoản tiền trị giá 10.000 ruble, cấp tiền trợ cấp cho vợ Pushkin và các con gái, nhận các con trai của nhà thơ làm thị đồng. Sa hoàng tước bỏ quân hàm của d'Anthès và trục xuất ông này khỏi Nga.

Một số người cho rằng Natalya Goncharova phải chịu trách nhiệm nào đó về cái chết của chồng mình, vì cô không thể hoặc không muốn chấm dứt những tin đồn liên quan đến d'Anthès. Nhà thơ Anna Akhmatova gọi cô là đồng phạm của nhà Heeckeren và đã dẫn tới cuộc đấu tay đôi.

Trong cuộc đời mình, Pushkin đã đưa ra hơn 20 lời thách đấu tay đôi còn bản thân nhận được 7 lời thách đấu. Bốn trong số các lời thách đấu này dẫn đến các cuộc đấu tay đôi, trong khi những lời thách đấu còn lại phần lớn không diễn ra nhờ bạn bè can ngăn. Pushkin mới 17 tuổi khi đưa ra lời thách đấu đầu tiên vì cảm thấy bị xúc phạm khi chú mình là Pavel Gannibal đã cướp cô gái mà ông đang khiêu vũ cùng tại một vũ hội. Tuy nhiên, hai chú cháu nhanh chóng làm lành và cuộc đấu tay đôi không diễn ra.

Pushkin nổi tiếng là một tay thiện xạ lão luyện, nhưng ông chưa bao giờ nổ súng được trước đối thủ trong các cuộc đấu tay đôi và chỉ làm đổ máu đối thủ một lần: trong trận đấu cuối cùng với d'Anthès.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Beyond Russia - RT)
Vỏ bọc nghệ thuật của cặp điệp viên Nga ẩn mình tại Slovenia
Vỏ bọc nghệ thuật của cặp điệp viên Nga ẩn mình tại Slovenia

Chỉ đến khi được đưa đến Moskva và được Tổng thống Putin đón chào bằng tiếng Tây Ban Nha, hai con của cặp điệp viên này mới biết mình là người Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN