Theo Channel News Asia, Mohammed Deif chỉ đưa ra ba tuyên bố trong 9 năm qua. Ông này đã không xuất hiện công khai trong gần ba thập kỷ. Chỉ còn hai bức ảnh mờ không ghi ngày tháng chụp Deif, còn trong những bức còn lại, ông ta che mặt bằng một chiếc keffiyeh của người Palestine hoặc ảnh chỉ có hình bóng.
Nhưng đối với Israel, họ không thể nhầm lẫn giọng nói trong đoạn video được công bố chỉ vài giờ sau cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.
Giọng nói trong video cho biết: “Trước những tội ác đang tiếp diễn nhằm vào người dân của chúng tôi, trước cơn cuồng loạn chiếm đóng và hành vi phủ nhận luật pháp cũng như các nghị quyết quốc tế, cũng như trước sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây, chúng tôi đã quyết định chấm dứt tất cả những điều này, để kẻ thù hiểu rằng họ không thể vui vẻ mà không bị buộc tội”.
Gọi cuộc tấn công là “Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa”, người này cũng đề cập đến tình trạng bị phong tỏa 16 năm ở Gaza, hành vi chiếm đóng của Israel và một loạt sự cố gần đây đã khiến căng thẳng Israel - Palestine lên đến đỉnh điểm.
Thông điệp này quá quen thuộc và giọng nói được cho là của Deif, chỉ huy lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam của Hamas, đồng thời là đứng sau nhiều cuộc tấn công Israel trong những năm qua.
Vậy người đàn ông mà Israel đã cố gắng truy lùng trong nhiều thập kỷ là ai và làm thế nào mà người này lại trở thành thủ lĩnh đáng sợ nhất của Hamas?
Người chế tạo rocket
Người ta biết rất ít về Deif vì ông này luôn làm việc bí mật trong nhiều năm và dùng tên giả.
Deif có nghĩa là “khách” trong tiếng Arab và nói về việc các tay súng Palestine di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tránh bị tình báo Israel bắt giữ.
Theo tờ báo Arab Asharq Al-Awsat, sinh ra và được đặt tên là Mohammed Diab Ibrahim al-Masri vào khoảng những năm 1960, Deif lớn lên trong trại tị nạn Khan Younis ở Gaza và xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Deif phải tạm thời nghỉ học để phụ giúp tài chính cho gia đình, làm nhiều công việc từ lái xe đến làm việc tại một trang trại gia cầm, rồi làm thợ bọc nệm ghế.
Khi đó Gaza do Ai Cập kiểm soát. Một quan chức Israel nắm rõ hồ sơ của Deif nói với tờ Financial Times rằng vào những năm 1950, chú hoặc bố của Deif đã thỉnh thoảng tham gia vào các cuộc đột kích của những người Palestine có vũ trang vào đúng khu vực vừa bị Hamas tấn công ngày 7/10.
Khi Hamas được thành lập vào cuối những năm 1980 để phản kháng tại hành vi chiếm đóng Gaza của Israel, Deif đã ở độ tuổi 20. Nhật báo Asharq Al-Awsat cho biết Deif gia nhập Hamas vào cuối năm 1987, rồi trở lại trường học và lấy bằng vào năm 1988 sau khi tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Gaza.
Sau đó, Deif hoàn toàn toàn tâm toàn ý với tôn chỉ của Hamas là tiêu diệt Israel bằng chiến tranh và thành lập một nhà nước Palestine. Deif nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ Hamas nhờ được trưởng nhóm sản xuất bom Yehya Ayyash hỗ trợ.
Ayyash bị Israel cáo buộc là người gây ra một loạt vụ đánh bom xe buýt chết người ở nước này vào đầu những năm 1990. Sau khi ông này bị Israel ám sát vào năm 1996, nhiều vụ đánh bom xe buýt tiếp tục xảy ra. Sau đó, Deif bị buộc tội chủ mưu trong thực hiện các cuộc tấn công để trả thù Israel và nhiều cuộc tấn công khac.
Deif đã tham gia chế tạo tên lửa thô sơ đầu tiên của Hamas và là người thiết kế rocket Qassam mà lực lượng này đã trút hơn 3.000 quả chỉ riêng ngày 7/10. Theo The Financial Times, kho rocket của Hamas hiện có tới hàng chục nghìn quả Qassam.
Vào năm 2021, Hamas đã triển khai hàng loạt rocket để nỗ lực áp đảo hệ thống phòng không của Israel. Hệ thống của Israel gần như cạn kiệt đạn dược trước khi có thỏa thuận ngừng bắn, qua đó thể hiện Hamas có khả năng không ngừng phát triển để theo kịp những thành tựu công nghệ của quân đội Israel.
Deif cũng là người đứng sau hệ thống đường hầm bên dưới Gaza, nơi được sử dụng để buôn lậu vũ khí, nhiên liệu và các hàng hóa khác từ Ai Cập. Người ta nói rằng Deif dành phần lớn thời gian của mình trong những đường hầm này, trốn tránh quân đội Israel và chỉ đạo Hamas bí mật.
“Con mèo chín mạng”
Theo Asharq Al-Awsat, hồi năm 2002, ít người biết đến Deif, ngoại trừ gia đình và một số thành viên trong Hamas. Nơi ở của người mà Israel đã săn lùng trong nhiều thập kỷ và người đứng đầu danh sách bị truy nã gắt gao nhất vẫn còn là một bí ẩn.
Khi được hỏi, người dân Gaza nói rằng ngay cả khi nhìn thấy, họ cũng sẽ không biết đó là Deif.
Israel đã tìm cách ám sát Deif ít nhất 5 lần mà lần gần đây nhất là vào tháng 5/2021.
Deif suýt thiệt mạng trong một cuộc không kích cách đây 20 năm. Vụ này khiến khiến Deif mất một tay, một chân và phải ngồi xe lăn. Các tay súng Palestine rất kính trọng Deif không chỉ vì ông này có khả năng sống sót sau nhiều vụ ám sát mà còn là vì ông luôn đi trước quân đội Israel một bước.
Ông Mkhaimar Abusada, Giáo sư chính trị tại Đại học Al-Azhar ở Gaza, nói với The Financial Times: “Ngay cả trước đó, Deif giống như một nhân vật thiêng liêng và rất được tôn trọng trong cả Hamas và người Palestine”. Theo ông Abusada, vụ tấn công Israel ngày 7/10 có thể sẽ khiến Deif ngày càng được người Palestine ngưỡng mộ.
Mục đích của Deif
Vào thời điểm Hamas được thành lập vào cuối những năm 1980, Deif ở chung phòng giam với Ghazi Hamad, người hiện là thành viên bộ chính trị của Hamas. Ông Hamad nói: “Ngay từ khi bắt đầu cuộc sống ở Hamas, Deif đã tập trung vào con đường quân sự”.
Trong video phát ngày 7/10, Deif phát biểu: “Đây là ngày diễn ra trận chiến vĩ đại nhất nhằm chấm dứt tình trạng chiếm đóng cuối cùng trên Trái đất”. Deif tuyên bố bắt đầu chiến dịch nguy hiểm nhất của Hamas và kêu gọi người Palestine ở khắp mọi nơi chiến đấu.
Người ta cho rằng Deif không quan tâm đến thiết lập hòa bình với Israel. Trong một bài báo năm 2010, Deif nêu rõ suy nghĩ của mình: “Palestine sẽ vẫn là của chúng tôi, trong đó có Al Quds ở Jerusalem, nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, các thị trấn và làng mạc từ ven biển Địa Trung Hải đến sông Jordan, từ phía Bắc đến phía Nam. Israel không có quyền với dù chỉ một cm trong số đó”.
Theo tờ The Financial Times, Deif cho rằng Hiệp định Oslo đã phản bội phong trào phản kháng của nước này và phản bội mục tiêu ban đầu là thay thế Israel bằng một nhà nước Palestine.
Được ký vào năm 1993, Hiệp định Oslo đã trao cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quyền kiểm soát dân sự một phần Bờ Tây và Dải Gaza. PLO vẫn nắm quyền kiểm soát một số khu vực ở Bờ Tây nhưng Dải Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Hamas từ năm 2007.
Ông Eyal Rosen, một đại tá trong lực lượng dự bị của quân đội Israel, nói với The Financial Times: “Deif đã cố gắng bắt đầu cuộc chiến tranh thứ hai giành độc lập. Mục tiêu chính là từng bước một tiêu diệt Israel. Đây là một trong những bước đầu tiên - đây chỉ là sự khởi đầu”.
Trong khi đó, tính tới ngày 12/10, từ khi Israel bao vây toàn bộ Gaza để đáp trả cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Hamas, số người chết đã gia tăng và vượt 2.300 người ở cả hai phía. Hàng nghìn người đã bị thương và trăm người Israel đang bị Hamas cũng như nhóm Islamic Jihad bắt giữ.
Quân đội Israel cho biết họ đã huy động số lượng chưa từng có 300.000 quân dự bị và đang áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza. Đây là một dấu hiệu cho thấy Israel có thể đang lên kế hoạch tấn công trên bộ để đáp trả cuộc tấn công của các tay súng Hamas.
Nếu xảy ra, hành động này sẽ đánh dấu leo thang bạo lực lớn. Lần gần đây nhất mà Israel tấn công trên bộ vào Dải Gaza là năm 2014.
Một quan chức Israel nói với The Financial Times về vụ tấn công mới nhất của Hamas: “Bây giờ sẽ không có đình chiến, chỉ có trả thù”.