'Tội ác' của phòng thí nghiệm Anh Porton Down 30 năm về trước

Phòng thí nghiệm quân sự của Anh tại Porton Down, tâm điểm trong vụ điều tra cựu điệp viên Nga Skripal, đã từng có lịch sử đen tối với chương trình bí mật thử nghiệm trên người do chính phủ chỉ đạo.

Một nhóm biểu tình gồm 100 người phản đối các cuộc thử nghiệm hóa học của Porton Down tháng 6/1963. Ảnh: Jim Gray/Getty Images

Theo kênh truyền hình Nga RT, các cuộc thử nghiệm trên người được tiến hành như một phần trong công tác chuẩn bị cho cuộc chiến giữa Anh và Liên bang Xô viết vào khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1989.

Thời kỳ đó, phòng thí nghiệm Porton Down là trung tâm thực hiện những cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học. Các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Anh đã thực hiện các cuộc thí nghiệm hóa học lên ít nhất 20.000 binh sĩ và hơn 100 cuộc thử nghiệm vi khuẩn bí mật để chuẩn bị đối phó trước một cuộc tấn công hóa học từ Liên bang Xô viết.

Các thiết bị trong phòng cách ly những người tham gia thử nghiệm. Ảnh: J. Wilds/Getty Images

Theo một báo cáo chính thức công bố vào năm 2006, các cuộc thử nghiệm lên cơ thể quân nhân do chính phủ chỉ đạo vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức. Hàng năm chính phủ đều nhận được đơn khiếu nại từ các cựu chiến binh về việc sức khỏe của họ bị tổn hại kéo dài sau những lần thử nghiệm.

Trong thời gian thử nghiệm, các nhà khoa học Porton Down đã nhỏ khí độc thần kinh hóa lỏng lên tay trần của 440 người hoặc có thời điểm, khí độc thần kinh được thử nghiệm trên 8 người đàn ông một loại chất không rõ là gì. 6 người bị thử nghiệm trong 5 ngày liên tiếp, và 3 trong số đó bị bỏng nặng. Có khoảng 450 người từng để mắt tiếp xúc với khí độc thần kinh sarin.

Ngoài ra, một báo cáo dài 60 trang của chính phủ công bố năm 2002 đã hé lộ chi tiết các cuộc thử nghiệm mà ở đó hàng triệu người tiếp xúc với các loại hóa chất nguy hiểm. Các cuộc thử nghiệm này bao gồm việc phát tán các loại chất hóa học và vi sinh vật nguy hiểm trên các khu vực rộng lớn nước Anh mà không cho dân cư sinh sống tại đó biết.

Lực lượng quân nhân thì được ra lệnh báo cáo với điều tra viên rằng các cuộc thử nghiệm chỉ là một phần trong dự án nghiên cứu liên quan đến ô nhiễm không khí và thời tiết.

Phần lớn các cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng vi khuẩn serratia marcescens hay zinc cadmium sulphide – một loại bột mịn có tính phát quang – rải xuống khu vực người dân sinh sống. Mặc dù chính phủ khẳng định các hóa chất đó đều an toàn, tuy nhiên chất cadmium được cho là nguyên nhân gây ra ung thư phổi và được xét vào danh sách vũ khí hóa học trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Các gia đình sống trong khu vực thử nghiệm sinh con bị khuyết tật đã yêu cầu chính phủ một cuộc điều tra toàn diện.

Sĩ quan canh gác cổng vào phòng thí nghiệm Porton Down 19. Ảnh: C. Woods/Getty Images

Theo con số thống kê đề cập trong cuốn sách “Secret Science” (Khoa học Bí mật) mà Giáo sư Ulf Schmidt trường Đại học Kent (Anh) xuất bản năm 2015, phòng thí nghiệm Porton Down trong khoảng 50 năm đã tiến hành 30.000 cuộc thí nghiệm hóa học bí mật. Phần lớn các cuộc thử nghiệm đó, quân nhân không được cung cấp đầy đủ thông tin trước khi đồng ý tham gia.


Phòng thí nghiệm có tuổi đời 100 năm này hiện có 3.000 nhà khoa học làm việc và ngân sách hàng năm lên tới 500 triệu bảng Anh. Năm 2008, Bộ Quốc phòng Anh đã chi trả 3 triệu bảng bồi thường cho 3600 cựu chiến binh bị thử nghiệm mà không thừa nhận lỗi lầm pháp lý.

Phòng thí nghiệm Porton Down đang trở thành tâm điểm của dư luận khi là cơ quan chịu trách nhiệm giải mã chất độc khiến hai cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei và Yulia Skripal “nguy kịch”.

Người đứng đầu phòng thí nghiệm xác nhận đội ngũ nhân viên không thể xác định “nguồn gốc chính xác” của chất độc này trong bối cảnh phía chính quyền Anh liên tục cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ hạ độc. Giới chức Ngoại giao Anh ngay lập tức bác bỏ tuyên bố chất độc thần kinh do Nga sản xuất.
 
Trang Anh/Báo Tin tức
Hậu khủng hoảng Skripal, Nga-phương Tây bước vào cuộc chiến mới trên mặt trận tình báo, phản gián
Hậu khủng hoảng Skripal, Nga-phương Tây bước vào cuộc chiến mới trên mặt trận tình báo, phản gián

Vụ hạ độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal ở Anh không chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nó còn gây ra một tác động sâu sắc tới hệ thống tình báo thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN