Trong tuyên bố ra ngày 13/9, hãng Uber cho biết trong 15 tháng kể từ khi mở cửa, phòng thí nghiệm của Uber đã đem đến “những thành tựu kỹ thuật quan trọng” cho dự án xe tự hành về mức độ an toàn và tin cậy cho hàng triệu người dùng trên thế giới.
Uber cũng thông báo sẽ mở một văn phòng kỹ thuật mới ở thành phố lớn nhất của Canada vào đầu năm 2019. Trung tâm kỹ thuật này sẽ đóng góp cho nỗ lực triển khai các tính năng mới của ứng dụng Uber, mở rộng sang các hình thức vận tải khác như xe máy, xe đạp điện cũng như trở thành đối tác với các hãng cung cấp phương tiện công cộng.
Kế hoạch trên nhiều khả năng sẽ tạo hàng trăm việc làm trong khu vực, từ đó có tác động đến toàn cầu. Thời gian gần đây, Canada thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có từ các tập đoàn Microsoft, Facebook, Google và Thales.
Cuối tháng 7 vừa qua, Uber thông báo dừng sản xuất các ôtô tải tự lái để tập trung phát triển mảng ôtô con không người lái do không thể cạnh tranh với những đối thủ khác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Trước đó, Uber cũng đã dừng sản xuất các ôtô con tự lái sau khi xe của hãng phối hợp với tập đoàn sản xuất ôtô Telsa phát triển gây ra tai nạn khiến một phụ nữ thiệt mạng tại bang Arizona của Mỹ hồi tháng 3 năm nay.
Bắt đầu tham gia chế tạo ôtô tự lái vào đầu năm 2015, Uber là một trong số các hãng công nghệ và chế tạo ôtô đang chạy đua để có thể tồn tại trong xu hướng phát triển các dòng xe tự lái vốn được coi là tất yếu, trong đó có việc chế tạo các xe tải tự lái.
Tranh cãi về loại xe này bắt đầu nổ ra hồi năm 2016 khi Uber mua lại hãng chế tạo ôtô tải tự lái Otto do một kỹ sư từng làm việc cho hãng Google thành lập. Google sau đó cáo buộc kỹ sư này đánh cắp các thông tin mật trước khi rời khỏi hãng trên.