Ngày 17/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Kết luận số 26/KL-BCA-X05 ngày 14/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an (Kết luận số 26/KL-BCA-X05) và Quyết định số 2005/QĐ-BTP ngày 12/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng (Quyết định số 2005/QĐ-BTP).
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng là nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy các đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 26/KL-BCA-X05; Quyết định số 2005/QĐ-BTP và các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng.
Theo ông Đỗ Xuân Quý, việc xác định bí mật nhà nước, soạn thảo, lưu giữ, sao chép, gửi, nhận bí mật nhà nước… đã tuân thủ nghiêm các yêu cầu, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế của Bộ Tư pháp về bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin an ninh mạng, an ninh thông tin với đơn vị chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an; thường xuyên, kịp thời báo cáo, trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến tấn công mạng đến cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng được triển khai bài bản, đúng quy định. Qua kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải thường xuyên tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng tại đơn vị nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để có phương án khắc phục; đồng thời chủ động phòng ngừa nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước tại đơn vị.
Hàng năm, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ; duy trì các giải pháp, dịch vụ đáp ứng bảo đảm an ninh an toàn hệ thống theo yêu cầu.
Ngoài ra, việc bố trí kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất và thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng cũng được quan tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, an toàn thông tin và an ninh mạng. Thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong triển khai công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng trong đơn vị mình quản lý.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng tạo Bộ Tư pháp, tích cực phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; nghiên cứu tạo lập chuyên trang, chuyên mục trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường nội dung các chuyên đề bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng trong các lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức; tiếp tục phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính nghiên cứu, đề xuất và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong các đơn vị thuộc Bộ về chế độ, chính sách cho công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ bí mật nhà nước và kinh phí để phục vụ công tác này.