Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, Bộ Tư pháp đang quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào thành công chung của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đưa đất nước vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại.
Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp có 70 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, trong đó có 24 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến toàn trình, 34 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến một phần, 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Bổ trợ tư pháp được tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp.
Về tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến, tiêu biểu là lĩnh vực Đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm, số lượng hồ sơ chiếm khoảng 94% của toàn Bộ Tư pháp: Tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến đạt trên 84%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt trên 89%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 96%.
Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 53.17%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 52.06%.
Tính đến tháng 6/2024, Bộ đã thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ liên thông khai sinh; hơn 240 nghìn hồ sơ liên thông khai tử. Việc thực hiện liên thông điện tử đã giúp cắt giảm lượng hồ sơ, giấy tờ và thời gian thực hiện, tiết kiệm chi phí đi lại (nhóm khai sinh từ 21 ngày làm việc giảm xuống 4 ngày làm việc; nhóm khai từ từ 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc) được người dân ủng hộ, đồng tình cao.
Về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) đã phối hợp với Bộ Công an (C06) thực hiện đợt cao điểm hỗ trợ các địa phương thực hiện kiểm thử toàn trình việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng VneID để sẵn sàng triển khai từ ngày 2/10/2024. Đến ngày 10/10/2024, đã có 60/63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành kết nối trên môi trường thử nghiệm; chờ rà quét, đánh giá an toàn an ninh thông tin để triển khai chính thức, trong đó có 10 địa phương đã sẵn sàng chạy chính thức.
Để thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, thúc đẩy các nhiệm vụ về số hóa, tạo lập dữ liệu số; đồng thời, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác ứng dụng CNTT tin của Bộ Tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế trước bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, liên tục thay đổi, nâng cấp, đặc biệt là xu hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian qua... đặt ra nhiều thách thức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chuyển đổi số.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tư pháp trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quán triệt sâu rộng tới tất các cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị về tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan... phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số".
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Cục Công nghệ thông tin, đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số của Bộ chịu trách nhiệm về các hoạt động mang tính nền tảng, sử dụng chung trong ngành Tư pháp; tập trung tham mưu triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, quy chế chính sách, giải pháp kỹ thuật công nghệ tới các hoạt động phối hợp công tác để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hoạt động chuyển đổi số, nhất là cho Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ Tư pháp; tăng cường các lớp đào tạo về chuyển đổi số, lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số…