Do đó, để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp cũng như việc nhận diện và tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả của người dân.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại Tọa đàm Nhận diện và giải pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 28/7 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Hữu Linh, việc chống hàng giả luôn diễn ra dai dẳng và ngày càng trở nên nhức nhối, tinh vi và phủ khắp trên các địa bàn cả nước với đa dạng mặt hàng.
Nếu như trước đây hàng giả chỉ tập trung chủ yếu vào những mặt hàng phổ biến như mỹ phẩm, đồ gia dụng…thì nay hàng giả đã góp mặt vào cả những mặt hàng như xăng dầu, mật ong, phân bón.
Có thể thấy rằng, một năm trở lại đây tình trạng xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng trở nên phổ biến; tiếp đó là các mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón.
Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc sản xuất phân bón giả ngay tại thị trường nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất cả xỉ vào để làm phân bón bán ra ngoài thị trường.
Hay chỉ cách đây 2 ngày, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phối hợp cùng với Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra bắt giữ một số lượng rất lớn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn; đồ gia dụng, vật tư y tế, giả cả những nhãn mác của thực phẩm...
Ngoài ra, hiện nay mua sắm chủ yếu thực hiện qua sàn thương mại điện tử nên tại các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí là vận chuyển một cách tương đối công khai qua việc lợi dụng kẽ hở từ chuyển phát của các hãng chuyển phát công khai chính thức. Điều này làm cho lực lượng chức năng rất là khó đối phó.
Không những thế, khi Trung Quốc siết chặt chính sách do COVID-19 khiến hàng hoá phải xuất khẩu theo chính ngạch, các đối tượng lại tìm cách để luồn lách. Vì vậy, ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm.
Đơn cử, lực lượng quản lý thị trường mới kiểm tra một cơ sở kiểm tra và thu giữ cơ sở ở ngay huyện Hoài Đức, Hà Nội sản xuất mật ong ngay trong một hộ gia đình, một ngày hàng trăm lít mật ong giả hoàn toàn và chỉ có bán ở trên facebook.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Trong bối cảnh COVID-19 vừa qua, thương mại điện tử như một cái phao cứu sinh cho doanh nghiệp để tồn tại.
Tuy nhiên, khi giá trị giao dịch cũng như số lượng giao dịch gia tăng sẽ đi kèm phát sinh như hàng giả, hàng nhái cũng như lừa đảo trên môi trường trực tuyến do người mua, người bán không gặp nhau nên những hành vi phạm trong thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng.
Thực tế cho thấy, các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý vi phạm.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng bảo vệ thương hiệu khiến truyền thông còn hạn chế, hoặc bản thân doanh nghiệp biết là đối tượng làm giả nhưng không muốn công khai những cái đặc thù, đặc điểm nhận dạng hàng giả.
Do vậy, cơ quan chức năng mời các chủ thể quyền làm việc thì phối hợp cũng chưa đầy đủ, hoặc doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ mới về truy xuất nguồn gốc hay là tem chống giả....
Đối với các sàn thương mại điện tử không kiểm soát triệt để được bởi đối tượng đăng tải với nhiều tên khác nhau và các hình thức tinh vi qua mắt.
Hơn nữa, người tiêu dùng dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chuộng thương hiệu và giá rẻ nên vô tình đã tiếp tay cho hàng giả. Cũng có trường hợp do mua trực tuyến nên không đánh giá hết chất lượng mà vô tình mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), trong 2 năm diễn ra COVID-19, thống kê giữa Tổng cục quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp tổ chức kiểm tra 3000 vụ và đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đến 20 tỷ đồng.
Với cái chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu đồng hành cùng doanh nghiệp đưa ra giải pháp chống hàng giả. Bởi có rất nhiều doanh nghiệp không có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, đến lúc lực lượng chức năng xử lý những trường hợp bị làm giả hàng hóa cũng không thể chứng minh được. Do đó, Hiệp hội liên tục nhắc nhở doanh nghiệp, nhất là các doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ rất sơ suất trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Mới đây, Hiệp hội cũng đã thống kê tìm hiểu các đơn vị áp dụng kinh tế số, kỹ thuật số ngay cả bao bì nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế bị làm giả sản phẩm, thậm chí ngay cả từ khâu bao bì.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội bày tỏ: Trước vấn nạn hàng giả, URC rất lo lắng việc khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, còn doanh nghiệp bị ảnh hưởng thương hiệu và giảm uy tín.
Do vậy, thời gian qua URC phải thực hiện những chiến dịch giới thiệu tên những nhãn hàng tới người tiêu dùng để họ có thể phân biệt được hàng chính hãng. Ngoài ra, công ty đã hướng dẫn nhà phân phối biết cách xác định được hàng giả, hàng nhái để phát hiện kịp thời nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm: Thời gian vừa qua lực lượng triển khai rất nhiều hoạt động và với mỗi đối tượng đều phải có những hành động riêng nhưng tựu chung lại vẫn là cần một chế tài đủ mạnh và đủ sức răn đe.
Ngoài ra, lực lượng luôn coi hàng giả và thương mại điện tử là nội dung trọng tâm trong hoạt động chuyên môn của lĩnh vực thị trường. Vì thế, việc phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử được cả lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý.
Đây là cả một mặt trận đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải có nhận thức sâu sắc và hiệp hội phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp ý thức tự bảo vệ thương hiệu.
Về phía người tiêu dùng, lực lượng đã liên tục phổ biến thông qua các kênh với nhiều hình thức tuyên truyền, thậm chí còn tổ chức những phòng trưng bày để giúp cho người dân phân biệt hàng thật, hàng giả.
Đặc biệt, năm nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương và cụ thể Tổng cục Quản lý thị trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ 3 đề án tập trung vào chống hàng giả.
Ông Trần Hữu Linh dự báo, chỉ trong vòng hai đến ba năm nữa, tỷ lệ kiểm tra, kiểm soát đối với lực lượng của thị trường phải là 60% ở trên mạng và chỉ còn 20-30% là tại hiện trường. Bởi gian lận thương mại sẽ chủ yếu trên không gian mạng và phải có những cái mặt hàng, ngành hàng trọng điểm.
Thay đổi thói quen là một thứ rất khó nên cần tuyên truyền vận động theo hướng đa dạng hóa lên nhiều hình thức tới doanh nghiệp, người tiêu dùng nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả.