Tòa tuyên phạt bị cáo Hậu 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. 5 bị cáo còn lại gồm: Thái Thu Trang (sinh năm 1981, trú tại Ba Đình, Hà Nội) bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Minh Huệ (sinh năm 1979, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, cựu cán bộ phòng 01, Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an, bị tước danh hiệu Công an nhân dân tháng 2/2024) 16 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Thị Hương Lan (sinh năm 1981, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phùng Văn Đông (sinh năm 1990, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đào Văn Thắng (sinh năm 1983, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cùng lĩnh 6 tháng 23 ngày tù về cùng tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201, khoản 2 - Bộ luật Hình sự. Do thời gian phạt tù của 2 bị cáo Đông và Thắng bằng thời gian tạm giam nên đã được trả tự do ngay tại tòa.
Theo cáo trạng, Phạm Thị Hậu là nhân viên tại Công ty trách nhiệm hữu hạn bất động sản TNB Land và Công ty cổ phần bất động sản VHS. Do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ nên từ ngày 19/5/2021 đến ngày 17/1/2023, Hậu đưa ra các thông tin gian dối về việc đặt cọc mua các suất ngoại giao ở nhiều dự án bất động sản để khách hàng tin tưởng chuyển tiền. Qua đó, chiếm đoạt hơn 57 tỷ đồng của 11 bị hại. Hậu đã trả lại hơn 16 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2021, ông Nguyễn Viết V (ở tỉnh Quảng Ninh) quen biết với Hậu. Sau đó, Hậu rủ ông mua các căn suất ngoại giao với giá rẻ hơn các căn bình thường tại dự án Alacarte Hạ Long. Ông V không mua mà giới thiệu cho anh trai là ông Nguyễn Viết Q. Qua trao đổi, ông Q chốt mua 4 căn biệt thự thuộc dự án Sun Maria Hạ Long và nhờ em trai đặt cọc giúp.
Hậu lập nhóm zalo có 3 người gồm: Hậu, ông Q và một tài khoản tên Hằng Nguyễn (do Hậu tự lập và sử dụng). Hậu nói rằng Hằng Nguyễn là người muốn mua lại 4 căn biệt thự mà ông Q đã đặt cọc. Ông Q và người này cùng góp tiền đóng 10% và sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng bán cho khách. Nếu không đóng, sẽ mất tiền cọc.
Do sợ mất tiền cọc, ông Q tiếp tục chuyển tiền cho Hậu, tổng cộng hai anh em ông Q đã chuyển cho bị cáo hơn 21 tỷ đồng.
Một thời gian sau, ông Q giục Hậu thực hiện hợp đồng thì Hậu nói luôn số tiền ông Q chuyển bị cáo không đặt cọc biệt thự như cam kết mà dùng vào việc cá nhân. Khi ông Q hỏi về bà Hằng và các giấy tờ đặt cọc của người này thì Hậu bảo thực chất giấy tờ do Hậu tự viết và ký. Sau đó, Hậu trả lại cho ông Q hơn 3 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định Hậu không đặt cọc mua biệt thự tại dự án Sun Maria. Chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Mặt trời Hạ Long chưa đưa vào thị trường, dự án cũng không có suất ngoại giao.
Hậu khai sử dụng phần lớn số tiền chiếm đoạt được để trả tiền gốc và lãi cho các đối tượng cho vay lãi nặng. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh hành vi cho vay lãi nặng của các cá nhân này.
Theo kết quả điều tra, Hậu vay tiền của 3 nhóm gồm Phùng Văn Đông và Đào Văn Thắng; Thái Thị Thu Trang và Nguyễn Thị Minh Huệ; Phạm Thị Hương Lan. Sau khi quen biết thì Hậu rủ những người này tham gia đầu tư bất động sản rồi vay tiền. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Minh Huệ (cựu cán bộ công an) đã cùng với bị cáo Thái Thu Trang nhiều lần cho Hậu vay lãi.
Cụ thể, từ tháng 5- 11/2021, hai người này 17 lần cho Hậu vay tổng số tiền là hơn 6,8 tỷ đồng với lãi suất từ 547% đến 4.692%. Hai bị cáo cùng hưởng lợi bất chính số tiền 5,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ tháng 6- 9/2021, Huệ còn cho Hậu vay riêng 8 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 11 tỷ đồng. Bị cáo Trang cũng cho Huệ vay riêng số tiền 8,9 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 7,3 tỷ đồng. Việc cho vay diễn ra từ tháng 6-10/2021.
Đến tháng 10/2021, Phạm Thị Hậu vỡ nợ không còn khả năng chi trả. Bị cáo đã yêu cầu những người cho vay gồm Đông, Thắng, Lan, Trang, Huệ hỗ trợ, trả lại số tiền lãi đã nhận. Tháng 11/2021, Thái Thu Trang đã trả lại Hậu số tiền 4 tỷ đồng, Đào Văn Thắng trả lại toàn bộ số tiền lãi đã nhận.