Theo đài truyền hình CNN, trong cuộc họp báo ngày 14/10, cảnh sát Hong Kong cho biết đường dây này bao gồm gần 30 đối tượng. Chúng khai nhận đã lừa đảo các nạn nhân tại Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và thậm chí xa hơn ở Ấn Độ.
Nhóm tội phạm gồm 21 người đàn ông và 6 phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 34 đã bị bắt giữ với các cáo buộc bao gồm âm mưu lừa đảo sau khi cảnh sát đột kích vào trung tâm hoạt động của chúng rộng 341 m2 tại quận Hung Hom.
Cảnh sát cho biết phần lớn nghi phạm là những tên có học thức, nhiều người trong số họ được băng nhóm tuyển dụng sau khi tốt nghiệp các trường đại học tại Hong Kong. Theo lực lượng chức năng, những tên tội phạm này còn liên kết với các chuyên gia công nghệ thông tin ở nước ngoài để xây dựng một nền tảng tiền điện tử giả mạo, nơi các nạn nhân bị ép buộc đầu tư.
Với sự trợ giúp của công nghệ deepfake, nhóm này sẽ dựng lên hình ảnh một cô gái có ngoại hình xinh đẹp quyến rũ nam giới và thuyết phục các nạn nhân đầu tư vào các trang web tiền điện tử giả mạo.
Kịch bản của chúng bắt đầu bằng việc gửi nhầm tin nhắn. Sau khi biết được người nhắn nhầm là một phụ nữ xinh đẹp, các nạn nhân thường mất cảnh giác và lưu số sau đó trò chuyện trực tuyến. Các nạn nhân thường rơi vào bẫy tình ngay sau đó. Thậm chí, một số người còn lên kế hoạch cho tương lai với “người yêu ảo”.
Cảnh sát cho biết băng nhóm tội phạm này được tổ chức rất chặt chẽ, chia thành các nhóm nhỏ chịu trách nhiệm cho các giai đoạn khác nhau trong bẫy lừa. Chúng thậm chí còn có hướng dẫn đào tạo để dạy các thành viên cách thực hiện trò lừa đảo bằng cách lợi dụng sự chân thành và cảm xúc của nạn nhân. Trong số các bước bao gồm bước tiếp cận về thế giới quan của nạn nhân; bịa ra những khó khăn như các mối quan hệ hoặc làm ăn thất bại để nhận được lòng tin của nạn nhân; và cuối cùng vẽ ra một tương lai đẹp đẽ với các kế hoạch du lịch cùng nhau để thúc đẩy nạn nhân đầu tư.
Cảnh sát cho biết các chiêu trò lừa đảo đã diễn ra trong khoảng một năm trước khi cảnh sát nhận được thông tin tình báo về vụ lừa đảo vào khoảng tháng 8. Hơn 100 chiếc điện thoại di động, cùng với số tiền mặt 26.000 USD và một số đồng hồ xa xỉ đã được thu hồi trong cuộc đột kích.
Deepfake là công nghệ tạo ra video, âm thanh và nội dung giả mạo chân thực với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này đang ngày càng được các đối tượng xấu sử dụng, từ việc lan truyền thông tin sai lệch đến lừa đảo trực tuyến. Những vụ lừa đảo này, còn được gọi là "lừa đảo heo đất" (Pig-butchering), là ngành công nghiệp phi pháp trị giá hàng tỷ USD.