Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 5/9, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Sự việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh về hành vi bạo hành trẻ có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong những mái ấm tình thương, những nơi thiện nguyện. Với các clip phóng sự điều tra của báo chí thông tin, có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý đối với các bảo mẫu nhẫn tâm hành hạ các cháu bé”.
Đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của em nhỏ, đặc biệt khi Mái ấm Hoa Hồng đang chăm sóc một lượng lớn trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Giới luật sư cho rằng, những hành động này đã cấu thành Tội “Hành hạ người khác” và cần được khởi tố ngay để trấn an dư luận, mang lại niềm tin cho người dân.
Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, hành vi đánh đập trẻ em khi các cháu còn ở đội tuổi quá nhỏ, phải chịu đớn đau như “thời Trung cổ” có dấu hiệu của Tội Hành hạ người khác, nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về Tội “Giết người”. Trong thời gian dài bị “tra tấn”, những đứa trẻ này đã bị đớn đau, sợ hãi, hoảng loạn, hoàn toàn có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, thậm chí có thể xâm hại đến tính mạng của trẻ.
“Người trông trẻ đã đánh đập, chụp, ném, quăng các bé. Đây là những hành vi làm tổn thương nghiêm trọng cơ thể người khác. Tôi kiến nghị cơ quan điều tra trưng cầu giám định về sức khỏe và tinh thần của các bé, để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người của các bảo mẫu”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh kiến nghị.
TS LS Đặng Văn Cường viện dẫn: Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Sau Hiến pháp, các văn bản luật như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự (BLHS)... đều có các quy định cụ thể hóa nội dung Hiến pháp để bảo vệ quyền trẻ em.
Tại Điều 6 Luật Trẻ em quy định các hành vi bị cấm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ…
“Trong trường hợp kết quả thăm khám điều trị, xác minh, giám định thương tích cho thấy đã có cháu bé bị thương tích, dù thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu đã có hành vi đánh đập cháu bé về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 BLHS với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục… Hình phạt sẽ rất nghiêm khắc, nếu nạn nhân không chết, hình phạt cũng có thể tới 10 năm tù theo khoản 3, Điều 134 BLHS”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 12 (TP Hồ Chí Minh) cấp phép hoạt động ngày 7/7/2023 với chức năng, nhiệm vụ trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mồ côi, sống lang thang. Mặc dù mái ấm được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng đã tiếp nhận 85 cháu, trong đó có 15 trẻ sơ sinh (dưới một tuổi) chưa đầy đủ giấy tờ.
Dư luận đang đặt câu hỏi về sự buông lỏng quản lý từ địa phương? Phía lực lượng công an đã mời bà Giáp Thị Sông Hương, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng và 16 nhân viên gồm bảo vệ, lái xe... lên làm việc; kiểm tra việc thu chi của Mái ấm Hoa Hồng.
Trước đó, theo điều tra của báo Thanh Niên và hình ảnh trên một số trang mạng xã hội phản ánh, bảo mẫu tại đây chăm sóc nhiều trẻ sơ sinh đến vài tháng tuổi. Hàng đêm, các bé luôn bị người đàn bà tên là Diệp Ngọc Tuyền (tỉnh Sóc Trăng, 47 tuổi) và một số bảo mẫu đánh, xách tay chân, ném, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp; có bé bị đánh chảy máu miệng...