Xét xử vụ thất thoát tài sản xảy ra tại Tổng Công ty cơ khí xây dựng

Ngày 9/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ án thất thoát tài sản xảy ra tại Tổng Công ty cơ khí xây dựng (COMA) và Công ty Cổ phần COMA 18 (COMA 18).

Đây là vụ án liên quan đến dự án chung cư VP6 Linh Đàm do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng. Chủ doanh nghiệp là ông Lê Thanh Thản. Ông Thản cũng là người đại diện theo pháp luật.

Trong vụ án này có 3 bị cáo phải ra hầu tòa, gồm: Lê Huy Lân (sinh năm 1962, cựu Tổng Giám đốc), Nguyễn Xuân Phong (sinh năm 19, cựu Phó Tổng Giám đốc COMA 18) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 129, khoản 3 – Bộ luật Hình sự. Bị cáo còn lại là Lê Văn Khương (sinh năm 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên COMA) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 – Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Thanh tra thành phố Hà Nội, Chi cục Thuế quận Hoàng Mai (Hà Nội) và đại diện COMA có mặt theo triệu tập của Hội đồng xét xử. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, đại diện COMA 18 có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, COMA 18 là doanh nghiệp cổ phần 51% vốn nhà nước do COMA là công ty mẹ nắm giữ phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Năm 1994, Công ty Phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) được giao hơn 184 ha đất để thực hiện dự án khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Trong đó, lô đất VP6 Linh Đàm sẽ làm tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê.

Tháng 2/2010, HUD chuyển giao lô đất cho COMA 18 thực hiện dự án. Hợp đồng nêu rõ không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba. Sau đó, COMA 18 làm thủ tục và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch từ xây dựng văn phòng cho thuê sang công trình hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng.

Tháng 7/2013, do không thể thực hiện được dự án, Tổng Giám đốc COMA 18 khi đó là Lê Huy Lân ký tờ trình xin ý kiến Tổng Công ty COMA chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty COMA Lê Văn Khương và các thành viên trong Hội đồng thành viên đã chấp thuận COMA 18 được chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm hoặc hợp tác kinh doanh. Kết quả, COMA 18 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ doanh nghiệp. Theo thỏa thuận, doanh nghiệp của ông Thản góp 95% tổng mức đầu tư dự án (12,3 tỷ đồng) và được hưởng 100% kết quả kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm kê khai, nộp thuế chung.

Sau đó, dự án VP6 Linh Đàm được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây dựng sai quy hoạch, tăng từ 25 lên 37 tầng (từ 1 căn hộ lên 840 căn hộ), tăng 630 m2 đất xây dựng.

Tháng 2/2023, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội đã kết luận: Việc cố ý chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 64,3 tỷ đồng. Đây là số tiền sử dụng đất không thể thu hồi cho diện tích đất thực hiện dự án, tại thời điểm tháng 7/2013.

Đến nay, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nộp khắc phục 64 tỷ đồng thay COMA 18. Còn lại hơn 300 triệu đồng, doanh nghiệp sẽ nộp thay cho COMA 18 khi có yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Quá trình điều tra, ông Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận với bị cáo Lê Huy Lân về việc COMA 18 nhận dự án VP6 Linh Đàm để chuyển nhượng. Ông Thản cũng không thúc đẩy hay tác động để COMA18 chuyển giao dự án. Việc ký hợp tác kinh doanh là do bị cáo Lân chủ động liên hệ.

Do không có cơ sở cáo buộc ông Thản đồng phạm với ông Lân, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ sau.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.

Kim Anh (TTXVN)
Định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản của nhà nước
Định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản của nhà nước

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản chiều 28/6, các đại biểu thống nhất tờ trình của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật và tên gọi này là phù hợp; đồng thời cho rằng, cần có đánh giá tổng thể về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, cũng như định giá quyền khai thác khoáng sản, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN