Kiểm tra, xác minh thông tin hàng trăm ha cao su vô chủ vẫn khai thác ở huyện Chư Prông

Ngày 10/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về hàng trăm ha cao su vô chủ vẫn khai thác ở huyện Chư Prông theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chú thích ảnh
Diện tích rừng thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bị phá trắng để chiếm đất trồng cao su suốt hơn 10 năm qua. Ảnh: TTXVN phát

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Gia Lai, việc kiểm tra thực tế diện tích hơn 350 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây Cao su thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch dựa trên cơ sở Kết luận Thanh tra số 11/KL-TTr ngày 10/9/2019 của Thanh tra tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất lâm nghiệp được giao quản lý tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch và Bản đồ hiện trạng theo kết luận thanh tra số 11/KL-TTr ngày 10/9/2019 của Thanh tra tỉnh. 

Tuy nhiên, do diện tích kiểm tra lớn, manh mún, phân bố rải rác trên 08 tiểu khu, trong khi thời gian cho phép kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh ngắn nên Đoàn kiểm tra thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 03 vị trí đại diện trong tổng diện tích hơn 359 ha đất rừng bị chiếm để trồng cây Cao su thuộc lâm phần Ban Quản ý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông. Phương pháp quan sát bằng mắt thường và đo đạc trực tiếp trên cơ sở sử dụng thiết bị GPS cầm tay.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra xác định có 01 vị trí trồng cây Cao su, chiều cao trung bình khoảng 8 m, đường kính trung bình thân cây tại vị trí cách gốc 1,3m khoảng 22 cm, hiện có dấu vết của việc khai thác mủ cao su (trên cây có vết cạo và được trang bị các vật dụng phục vụ khai thác mủ (máng che, chén, kiềng, máng...) và 02 vị trí còn lại không trồng cây Cao su (Công ty Cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ). 

Đối với diện tích trên 1.228 ha đất rừng bị chiếm (trong đó: 8 ha đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy; hơn 350 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây Cao su) phía Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã và đang tiến hành điều tra, xác minh. 

Tại báo cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai nêu rõ, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2008 đến năm 2019 của Ban quản ý rừng phòng hộ Ia Puch là trên 1.228 ha (trong đó: có 8 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy và hơn 350 ha đất rừng bị thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch bị một số doanh nghiệp lấn chiếm để trồng cây Cao su) đã được Thanh tra tỉnh kết luận và chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để giải quyết theo thẩm quyền. 

Đến năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt hai cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, mỗi người ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài diện tích hơn 1.228 ha, còn diện tích 543 ha đất rừng bị Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 lấn chiếm để trồng cao su đã được Tòa án Quân khu 5 xét xử, xử lý trách nhiệm hai cán bộ.

Riêng phần diện tích đất bị lấn chiếm trồng cao su hơn 350 ha theo kết luận của thanh tra tỉnh số 11/KL-TTr ngày 10/09/2019, thì Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Puch vẫn đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Gia Lai để cung cấp thông tin, phối hợp đi hiện trường xác minh đối tượng vi phạm. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn chưa có kết quả cụ thể. 

Như vậy, qua kết quả kiểm tra, xác minh thực tế và báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa xác định được những đơn vị, doanh nghiệp nào trước đây đã phá rừng, trồng trái phép hơn 350 ha cao su trên đất rừng; cũng như chưa làm rõ đơn vị nào đang khai thác diện tích cao su trên và sản phẩm khai thác đi về đâu.

Như trước đó TTXVN đã thông tin, hơn 350 ha rừng thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) bị một số doanh nghiệp phá trắng chiếm đất để trồng cao su từ hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể xác định được đơn vị hay cá nhân nào chịu trách nhiệm cho hành vi hủy hoại rừng và thu lợi bất chính từ việc khai thác mủ cao su trái phép này.

Toàn bộ diện tích cao su nói trên nằm rải rác ở 9 tiểu khu thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch và nằm xen kẽ với diện tích mà các doanh nghiệp được giao đất trồng cao su theo chủ trương chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su (giai đoạn 2008 - 2012) được tỉnh Gia Lai triển khai tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Mặc dù không có chủ sở hữu rõ ràng nhưng những diện tích cao su này vẫn được chăm sóc kỹ càng, cây cao su phát triển xanh tốt và cho khai thác mủ đều đặn.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Không có tình trạng khai thác vàng trái phép ở Đăk Tô, Kon Tum
Không có tình trạng khai thác vàng trái phép ở Đăk Tô, Kon Tum

Trước thông tin phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép tại khối phố 1 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) do nhóm ông Lâm Văn Xếp thực hiện, phóng viên TTXVN đã đến hiện trường xác minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN