Chạy đua cùng "tử thần"
Hơn 13 giờ 15 phút, Tổng đài cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi từ người dân thông báo một trường hợp bị sốc thuốc ngụ tại Quận 6 (TP Hồ Chí Minh). Tiếng chuông báo động từ tổng đài chưa kịp dứt, ê kip trực cấp cứu của y sĩ Võ Văn Sậm (54 tuổi), Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào khu vực bàn giao trực nhóm để kiểm tra lại lần nữa số thuốc cấp cứu, đảm bảo các loại máy đo điện tim, máy sốc nhiệt, máy hút đàm… đều hoạt động ổn định rồi lao nhanh ra chiếc xe cứu thương cũng đang nổ máy chờ sẵn, hú còi đến nhà nạn nhân.
Đến 15 giờ, y sĩ Võ Văn Sậm trở về trung tâm, sẵn sàng với các trường hợp cấp cứu tiếp theo sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch và đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện để tiếp tục điều trị. Với nụ cười hiền hoà, y sĩ Võ Văn Sậm cho biết: “Sáng giờ cũng đi hơn chục ca cấp cứu, từ tai nạn giao thông đến người cao tuổi mắc các bệnh lý nền. Một ca trực của tôi bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng ngày hôm nay đến 7 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau”.
Y sĩ Võ Văn Sậm kể, bệnh nhân vừa được cấp cứu là một phụ nữ 51 tuổi, có tiền căn bị trầm cảm. Qua khai thác bệnh sử, buổi sáng bệnh nhân này uống 20 viên thuốc trầm cảm. Qua đo huyết áp, kiểm tra tim mạch thì đều ổn định nhưng biểu hiện của bệnh nhân lừ đừ. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu, ổn định tinh thần bệnh nhân, đội cấp cứu đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhà để được tiếp tục điều trị.
Cuối năm 2023, Tổng đài cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi từ người dân về một sản phụ đang sinh rớt tại nhà (địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Sau khi nhận được chuông báo động từ tổng đài, ê kíp cấp cứu gồm y sĩ Hồ Khuê Tú, điều dưỡng Lương Thị Phương Thảo đã nhanh chóng đến hiện trường.
Tại hiện trường, ê kíp cấp cứu tiếp cận sản phụ trong tình trạng đau bụng dữ dội hơn 30 phút, ối vỡ, mang thai con so (con đầu) 36 tuần. Qua thăm khám, phát hiện một bàn chân thai nhi đã đưa ra ngoài âm hộ. Nhận định tình huống sinh khó và khẩn cấp, y sĩ Hồ Khuê Tú tiến hành đỡ sinh ngay lập tức để tránh tình trạng ngạt thai nhi.
Y sĩ Hồ Khuê Tú nhớ lại, trong quá trình đỡ sinh, ê kíp cấp cứu cũng rất căng thẳng vì nếu thao tác không đúng, có thể gây tai biến cho bé. Sau 20 phút với sự đồng hành của ê kíp cấp cứu, sản phụ “vượt cạn” an toàn. Tuy nhiên, em bé tím tái, không khóc và không cử động nên ê kíp tiến hành hồi sức cho bé. May mắn sau vài phút ép tim, bé hồng hào trở lại, khóc lớn và tự thở.
Sau khi chắc chắn tình trạng bé đã ổn, ê kíp đã lau khô, ủ ấm cho bé và cho tiếp xúc da kề da với mẹ. Sản phụ được hướng dẫn xoa đáy tử cung và được tiêm thuốc co hồi tử cung, đảm bảo đường thở, đường truyền và được chuyển an toàn đến Bệnh viện Hùng Vương.
“Chưa kịp thở phào khi đỡ sinh thành công thì thấy bé tím tái và không cử động, tôi lại một phen thót tim. Nhưng rất may mắn vì sau khi được ấn ngực, bé khóc lớn và hồng hào trở lại. Giây phút đó tôi cũng vỡ òa cùng gia đình ”, y sỹ Khuê Tú chia sẻ.
Niềm vui là cứu sống được bệnh nhân
Với y, bác sĩ làm việc tại bệnh viện, môi trường cấp cứu là trong phòng bệnh. Ngược lại, với y bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115, địa điểm cấp cứu là ở hiện trường: Từ đường phố đến công trường, trên sông nước và trong các căn phòng nhỏ hẹp. Chỉ cần nơi nào có bệnh nhân cần cấp cứu là các y, bác sĩ chạy đến nơi đó dù mưa bão, ngập lụt hay nắng cháy da. Chính vì vậy, họ phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm hơn.
Hơn 8 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Trần Minh Trung cho biết, không phải lúc nào anh và đồng nghiệp khi đến hiện trường cấp cứu cũng nhận được sự hợp tác của nạn nhân hay người nhà. Nhất là những trường hợp bị tai nạn giao thông, đánh nhau do say xỉn, họ thường có những hành động như chửi bới, đe doạ. Có những lần điều dưỡng Trung còn bị người nhà bệnh nhân khoá cửa nhốt trong nhà, lúc này anh phải gọi công an tới hỗ trợ.
Kể về tình huống làm anh nhớ nhất khi bị người nhà bệnh nhân khoá cửa nhốt trong nhà, điều dưỡng Trần Minh Trung nhớ lại, đó là trường hợp xảy ra cách đây 3 năm, khi anh đến cấp cứu cho một gia đình có hai bà cháu ở với nhau tại quận Tân Bình.
Người bà không thấy cháu trai xuống ăn cơm trưa nên đã lên phòng gọi thì không thấy cháu trả lời, vì thế bà đã gọi đến Trung tâm cấp cứu 115. Chỉ vài phút sau khi nhận cuộc gọi, ê kíp cấp cứu đã có mặt tại nhà bà cụ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì bé trai này đã tử vong trước đó với cơ thể tím tái, vết loét tử thi và hàm cứng đơ. Khi biết thông tin cháu trai đã chết, người bà hoảng loạn chạy xuống nhà khoá hết cửa lại và yêu cầu ê kíp cấp cứu phải cứu sống người cháu thì mới mở cửa.
“Tình trạng của bà cụ lúc đó cũng khiến chúng tôi đau lòng và thông cảm với hành động của bà, bởi chỉ có hai bà cháu ở với nhau. Lúc này, chúng tôi phải vừa làm công tác tư tưởng và vừa nhờ công an địa phương tới hỗ trợ để bà cụ mở cửa”, điều dưỡng Trần Minh Trung cho biết.
Khi được hỏi công việc vừa áp lực mà cũng không ít hiểm nguy, vì sao lại gắn bó với nghề đến nay và có khi nào anh có ý định nghỉ việc không, điều dưỡng Minh Trung mỉm cười, trả lời dứt khoát: “Phải yêu thích thì tôi mới chọn và gắn bó với nghề. Trong 8 năm theo nghề, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nghỉ việc. Thay vào đó, tôi mong muốn bản thân càng hoàn thiện hơn nữa để làm việc tốt hơn”.
“Thời gian đầu đi làm cũng thấy áp lực nhưng dần dần tôi thấy cũng quen và học cách xử lý tình huống tốt hơn. Mỗi lần cứu sống được một bệnh nhân, tôi thấy rất vui và có thêm động lực tiếp tục gắn bó với nghề”, điều dưỡng Minh Trung chia sẻ thêm.
Còn y sĩ Võ Văn Sậm cũng đầy niềm tự hào khi nói về công việc của mình: “Cấp cứu được một bệnh nhân từ hấp hối đến khi họ hồi tỉnh là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Hơn 16 năm theo nghề, tôi chưa khi nào nghĩ mình sẽ từ bỏ. Đã theo nghề thì phải chấp nhận hết những khó khăn và phải hoàn thiện tốt hơn”.
Càng gắn bó với nghề, y sĩ Võ Văn Sậm cảm nhận được ý nghĩa cao cả của nghề y và thấy lựa chọn của mình là đúng, vì thế anh cũng hướng cho hai người con của mình theo nghề ngay từ nhỏ. Không phụ lòng của y sĩ Võ Văn Sâm, hai con anh cũng đều theo nghề y, trong đó người con lớn đang học y đa khoa năm cuối và con thứ hai thì hiện cũng học năm thứ 5.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cấp cứu ngoại viện là một trụ cột không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống y tế nào. Một nghiên cứu cho thấy, đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống.
Luật Khám, chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện là phải có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, hiện loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy. Theo đó, cần thiết có các chính sách thu hút được người trẻ theo đuổi ngành cấp cứu ngoại viện, từ đó mới tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Cụ thể, cần có mức thu nhập làm sao hỗ trợ, giữ chân đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Sau khi tuyển dụng được, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp; phải xem đây là nghề đặc thù với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ ưu đãi, phụ cấp phù hợp; phải có bảo hiểm ngành nghề cho lực lượng cấp cứu ngoại viện khác nhân viên y tế công tác tại bệnh viện.