Bài 1: Càng chống càng ngập
Sau mỗi trận mưa lớn, thì câu chuyện chống ngập lại là đề tài "nóng" của Thành phố. Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có chương trình chống ngập từ lâu và đầu tư không ít kinh phí cho công việc này, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện, mà dường như càng chống càng ngập.
Rốn ngập khi có mưa
Các tuyến đường gần khu vực chợ Thủ Đức như Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành… thường xuyên hóa thành sông sau mỗi cơn mưa. Điều đáng nói, khu vực này mới hoàn thành dự án chống ngập 248 tỷ đồng.
Chị Lê Thị Thu, tiểu thương tại chợ Thủ Đức cho biết: “Sinh sống ở đây mấy chục năm nay, thì bấy nhiêu năm tôi chứng kiến nước ngập ngày một tăng lên. Nhiều trận mưa lớn, nước lên nhanh khiến tiểu thương trong chợ không kịp trở tay, hàng hóa bị hư hỏng nhiều. Đặc biệt là sau khi khánh thành dự án cống thoát nước ở đường Võ Văn Ngân, thì lại càng ngập".
Tương tự, anh Hồ Văn Tăng, một thợ sửa xe trên đường Kha Vạn Cân, thành phố Thủ Đức cho biết: "Tôi đã sống ở đây 20 năm, từ trước đến nay, khu vực này không bao giờ ngập bởi đây là vùng đồi, dốc. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nhà mọc san sát, nhà nào cũng thiết kế cho nước đổ ra đường, khiến nước thoát không kịp. Đường cao, dốc, khiến nước chảy rất mạnh, có lúc xe bị cuốn đi giữa dòng, rất nguy hiểm”, anh Tăng cho biết thêm
Theo đại diện UBND thành phố Thủ Đức, ngày 27/4, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, với tổng vốn đầu tư hơn 248 tỉ đồng, được khánh thành sau gần 3 năm thi công. Công trình xây dựng hệ thống cống hộp với bề rộng và ngang đều hơn 1m, dài gần 2,5km trên đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân (từ Nhà thiếu nhi Thủ Đức đến rạch Cầu Ngang), thay tuyến cống tròn đường kính 0,6 - 0,8 m có từ lâu. Tuy nhiên, hệ thống cống mới chưa phát huy được hiệu quả khi mưa lớn đổ xuống. Cụ thể, hàng loạt nắp cống trên đường Kha Vạn Cân, quanh chợ Thủ Đức bung lên khiến nước phun ào ạt, gây ngập toàn khu vực.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức cho biết, nguyên nhân là do mưa lớn và nước từ nhiều nơi đổ về nên các cống quá tải. Sắp tới, đơn vị sẽ kiểm tra lại toàn bộ dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa khánh thành để tiếp tục xử lý các hạn chế.
Còn theo đại diện Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, khu vực chợ Thủ Đức tuy địa hình cao, nhưng không bằng phẳng, nhiều tuyến đường có độ dốc lớn. Ngoài ra, hệ thống cống lỗi thời cũng là nguyên ngân gây ngập. Ví dụ như đường Đặng Thị Rành (từ đường Tô Ngọc Vân đến Dương Văn Cam), Dương Văn Cam bị trũng thấp cục bộ so với khu vực xung quanh, hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu, cống quá tải khi mưa lớn, không đảm bảo khả năng thoát nước. Ngoài ra, rạch Cầu Ngang thoát nước cho khu vực bị thu hẹp, không đảm bảo thoát nước.
Để chống ngập cho các tuyến đường này, sắp tới Thành phố sẽ thường xuyên duy tu nạo vét hệ thống thoát nước, đặc biệt tuyến cống tại các cửa xả; tổ chức lực lượng vớt rác trước, trong và sau mưa, tháo dỡ các tấm chặn do người dân đặt trước các miệng thu nước. Về lâu dài, để khu vực chợ Thủ Đức hết ngập, cần sớm triển khai các dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, với tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng.
Hệ thống thiếu và yếu
Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến TP Hồ Chí Minh càng chống càng ngập, trước tiên là do hạ tầng thoát nước của TP chưa được đầu tư đáp ứng kịp thời. Do đó, dù có địa hình cao, những khu vực như thành phố Thủ Đức vẫn phải hứng chịu những trận ngập thời gian qua do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt. Chưa kể, nhiều khu vực đã bắt đầu đô thị hóa nhưng hệ thống thoát nước chưa có. Ngoài ra, có những khu vực dù có hệ thống thoát nước nhưng lượng mưa vừa qua đã vượt tần suất thiết kế thì cũng gây ngập.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng dẫn chứng về Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng ngay giữa vùng đất thấp trũng Quận 7, nhưng không hề bị ngập, trong khi các tuyến đường quanh đó như Huỳnh Tấn Phát, khu dân cư Nam Long lại bị ngập nặng. Theo lý giải của ông Nam Sơn, khu đô thị này được thiết kế bài bản, quá trình xây dựng tuân thủ theo quy hoạch, có không gian cho cây xanh và khu vực thoát nước hoàn chỉnh. Vì vậy, khi mưa xuống là nước có đường để thoát, không gây ngập.
“Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, hai bên là các khu dân cư cao tầng vừa mới xây dựng, nền đất rất cao, toàn bộ nước khi mưa đổ thẳng ra đường. Vì vậy, dù thành phố có bỏ ra gần hàng tỷ đồng để nâng đường thay cống cũng chưa dám khẳng định liệu có hết ngập hay không”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, muốn hết ngập phải tìm ra căn nguyên của việc bị ngập, bởi hiện nay không chỉ các vùng thấp trũng mới bị ngập, mà ngay cả những nơi trên cao như thành phố Thủ Đức vẫn ngập nặng.
Theo đó, tình trạng ngập tại Thành phố trước tiên là do việc phát triển đô thị một cách tự phát, bê tông hóa quá nhiều, không có không gian dành cho nước, cây xanh. Do đó, mỗi lần có mưa, nước không biết thoát đi đâu mà chỉ đổ ra đường.
Còn các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chạy theo, thấy đường nào ngập là nâng đường, thay cống mới nhưng chục năm sau lại ngập. Vì vậy, muốn chống ngập hiệu quả không thể tách ra từng giải pháp riêng mà gắn với quy hoạch tổng thể đô thị, từ chống ngập, kẹt xe, mật độ dân cư, tỷ lệ xây dựng, không gian cho cây xanh, nước...
"Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh muốn chống ngập hiệu quả, cần có một lãnh đạo thành phố, ít nhất cũng là Phó chủ tịch UBND thành phố đứng ra làm nhạc trưởng cho vấn đề quy hoạch phát triển đô thị nói chung, bao gồm cả chống ngập, kẹt xe, quản lý xây dựng đô thị, mật độ dân cư… Khi có quy hoạch tốt, phải thực hiện phát triển theo đúng quy hoạch, lúc đó mới giải quyết vấn đề ngập nước, kẹt xe một cách bền vững”, ông Nam Sơn nói thêm.
Bài cuối: Dự án chống ngập ngàn tỷ chưa biết khi nào về đích?