Theo tin tức độc quyền từ tờ Daily Mail (Anh) ngày 3/8, động thái này đã gây tranh cãi trong bối cảnh Iran được cho là sắp thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Tờ Daily Mail cho biết Chính phủ Anh đã tạm dừng cấp phép xuất khẩu vũ khí mới, trong đó có thiết bị thông tin liên lạc quân sự và áo giáp chống đạn, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này David Lammy xem xét liệu có "tội ác chiến tranh nào đã xảy ra trong cuộc tấn công của Israel chống Hamas ở Dải Gaza hay không". Quyết định của Ngoại trưởng Lammy sẽ không được công bố cho đến cuối mùa Hè này.
Tờ Daily Mai dẫn một nguồn giấu tên nêu rõ, việc tạm dừng cấp phép này đã dẫn đến các yêu cầu cấp giấy phép mới sẽ bị đẩy vào tình trạng chờ đợi vô thời hạn. Điều này là một phần trong nỗ lực lâu dài của Công đảng cánh tả Anh nhằm ngăn chặn mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Israel, đặc biệt là khi họ hiện đang nắm giữ quyền lực.
Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Vương quốc Anh, ông Andrew Mitchell đã lên tiếng chỉ trích động thái này, cho rằng đây là một bước đi "kỳ lạ" trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở biên giới phía Bắc Israel. Ông Mitchell nhấn mạnh rằng Israel đang bị đe dọa trực tiếp từ Hezbollah và quân đội Anh phải triển khai vũ khí và nhân sự để bảo vệ Israel khỏi một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran.
Về phần mình, Đại tá Richard Kemp, cựu chỉ huy lực lượng Anh tại Afghanistan, cũng phản đối quyết định trên, mô tả đó là một "lệnh cấm vận vũ khí bí mật". Ông Kemp cho rằng việc Công đảng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí trong khi tuyên bố đang xem xét tình hình là một động thái "đáng xấu hổ".
Trong một diễn biến liên quan, khi căng thẳng gia tăng tại Trung Đông, chuyên gia hải quân người Anh Iain Ballantyne đã xác nhận rằng tàu khu trục HMS Duncan của Anh đã "sẵn sàng" để hỗ trợ quân sự nếu một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah bùng phát. Theo Tờ Express (Anh), Anh cũng đã lập kế hoạch dự phòng. Tàu đổ bộ RFA Cardigan Bay và lực lượng biệt kích thuộc Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh có mặt ở phía Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng tham gia vào bất kỳ cuộc di tản nào của Anh, Mỹ và các thường dân khác khỏi khu vực.
Chuyên gia Ballantyne cho biết, tàu RFA Mounts Bay cũng đang hướng đến Địa Trung Hải, có thể hỗ trợ các hoạt động di tản. Anh có một căn cứ quân sự lớn tại Síp, nơi các máy bay chiến đấu thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ trên bầu trời Syria và Iraq. Trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah năm 2006, các máy bay trực thăng hoạt động từ Síp đã tham gia vào cuộc di tản dân thường khỏi Liban.