Slovakia
Theo tờ Kyiv Independent, một ngày sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico nói rằng đất nước ông sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine nữa, đồng thời tuyên bố sẽ thúc đẩy lập trường này ở cấp độ châu Âu. Phát biểu trước các nhà lập pháp Slovakia hôm 26/10/2023, ông Fico nói: “Tôi sẽ ủng hộ viện trợ quân sự bằng 0 cho Ukraine… Việc dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự là giải pháp tốt nhất mà chúng tôi có cho Ukraine. EU nên thay đổi từ một nhà cung cấp vũ khí thành một nhà kiến tạo hòa bình”. Tân Thủ tướng Slovakia nói thêm rằng ông sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ lệnh trừng phạt nào chống lại Nga trừ khi thấy các phân tích rằng chúng sẽ gây hại cho Slovakia.
Tuy nhiên, theo tờ Euromaidan Press, cùng với thời gian, quan điểm của chính phủ mới ở Slovakia đã dịu đi và đã chuyển sang thành “chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí đang được cất giữ (cho Ukraine)”. Khi đến thăm Praha (Cộng hoà Séc) vào tháng 11/2023, tân Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanár đã tuyên bố rằng những phát biểu trước đây về việc “không cung cấp vũ khí cho Ukraine” không áp dụng cho các giao dịch thương mại.
Giám đốc điều hành của Viện Adapt Slovakia, ông Matej Kandrik cho biết điều đó không có gì đáng ngạc nhiên bởi sự can thiệp của chính phủ sẽ gây tổn thất về việc làm và tiền bạc, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đối với việc không thực hiện hợp đồng đã ký kết. Quan trọng hơn, nó sẽ gây tổn hại nặng nề đến danh tiếng của Slovakia như một đối tác đáng tin cậy. Cho nên, theo ông Kandrik, “những lời hùng biện trước và sau bầu cử có thể sẽ rất khác nhau”. Các chính trị gia không thể không cân nhắc khi thực tế cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Slovakia đang bùng nổ với nhiều công ty đạt được lợi nhuận kỷ lục.
Trong một bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), Tiến sỹ Viliam Ostatník cho biết Konštrukta Defence là một tập đoàn ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Slovakia, sản xuất pháo tự hành Zuzana nổi tiếng. Nhờ đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Slovakia và Ukraine, kể từ năm 2018, Konštrukta Defence đã có thể tăng sản lượng một cách đều đặn. Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, năm 2022, lợi nhuận của Konštrukta Defence đã tăng gấp 10 lần và số lượng công nhân tăng 36% lên gần 200 người. Hiện nay, năng lực sản xuất của Konštrukta Defence là 20 hệ thống pháo tự hành Zuzana mỗi năm và số đơn đặt hàng nhận được đã đủ cho sản xuất tới hết năm 2025.
Một sản phẩm quốc phòng nổi tiếng khác của Slovakia là đạn pháo 155mm có thể được sử dụng bởi bất cứ hệ thống pháo nào cùng cỡ nòng. Chúng được sản xuất bởi tập đoàn ZVS Holding. Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, ZVS Holding chỉ hoạt động với khoảng 60% công suất. Nhưng hiện nay, đơn đặt hàng sản xuất đạn pháo 155mm của ZVS Holding đã đủ cho các dây chuyền hoạt động hết công suất ít nhất là đến năm 2025.
Hungary
Tờ Politico ngày 9/1 cho hay các quan chức Hungary đã đặt điều kiện để không phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro của EU dành cho Ukraine. Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì ngạc nhiên bởi Hungary lâu nay đã công khai phản đối viện trợ Ukraine cũng như việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU). Khoảng 2 tuần sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban đã ký sắc lệnh cấm vận chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Về phần mình, vào hôm 6/3/2022, Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto cũng tuyên bố nước này sẽ không gửi binh sỹ hay vũ khí tới Ukraine. Nhưng thực tế có thể mang tới một cảm nhận khác.
Tờ Euromaidan Press ngày 4/1 cho biết 5 năm trước, ngành công nghiệp quốc phòng của Hungary không có gì nhiều ngoài việc sản xuất một số loại vũ khí nhỏ, xe tải quân sự và thiết bị tác chiến điện tử. Năm 2022, thời điểm xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, nước này xây dựng ba nhà máy mới với quy mô lớn, trong đó có nhà máy sản xuất xe chiến đấu bộ binh (IFV) hiện đại nhất hợp tác với tập đoàn Rheinmetall của Đức. Theo kế hoạch, đến năm 2027, Hungary sẽ hoàn tất xây dựng tất cả 10 nhà máy mới sản xuất IFV. Ngoài ra, đến năm 2027, Hungary còn là một trong những nhà sản xuất đạn pháo 155mm lớn nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hungary phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình trong khuôn khổ hợp tác khu vực, chủ yếu với Đức, ngoài ra còn có Cộng hoà Séc, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và ở một khía cạnh nào đó là với Israel. Mục tiêu của chính phủ do ông Orban đứng đầu là phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp quốc phòng mà không tìm hiểu bất cứ thứ gì đã được phát minh. Nhưng Hungary lại không muốn trở thành một công xưởng lắp ráp mà muốn tham gia vào việc phát triển các hệ thống hoàn toàn mới cùng với những hãng quốc phòng hàng đầu trên thị trường. Sự ra đời của nhà máy sản xuất IFV Lynx ở miền Tây Hungary cùng việc hợp tác với Rheinmetall xây dựng một cơ sở thử nghiệm hiện đại cho các hệ thống tự hành hoạt động trên đất liền là một minh chứng cho xu hướng này.
Bên cạnh đó, người ta còn thấy khi máy bay không người lái được tích cực sử dụng ở chiến trường Ukraine, Hungary cũng bắt đầu sản xuất máy bay không người lái và phát triển một loại máy bay không người lái phản lực với tốc độ 500 km/h. Loại máy bay không người lái này có thể giả dạng máy bay chiến đấu để đánh lừa radar và hệ thống phòng không của đối phương. Chính phủ Hungary cũng mua Hintenberger Defense, một trong những nhà sản xuất súng cối tốt nhất trên toàn thế giới. Cùng với đạn pháo 155mm, súng cối đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong xung đột Nga -Ukraine.
Theo ông Attila Demko, người đứng đầu Trung tâm Địa chính trị Hungary, “người ta chưa bao giờ nói rằng vũ khí sản xuất ở Hungary không thể đến Ukraine. Người ta chỉ nói rằng vũ khí Hungary trong kho quân sự sẽ không đến Ukraine. Bây giờ, nếu vũ khí ấy được sản xuất ở Hungary với sự hợp tác của Rheinmetall rồi được chuyển đến Ba Lan, bổ sung cho Ba Lan rồi từ Ba Lan đến Ukraine, thì trên thực tế, nó sẽ giúp ích cho Ukraine”. Như vậy, ngay cả khi chính phủ Orban đưa ra quan điểm chống Ukraine thì điều đó không có nghĩa là việc sản xuất quốc phòng của Hungary sẽ không giúp ích cho NATO và ít nhất là giúp ích cho Ukraine một cách gián tiếp.