Dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hãng tin AFP cho biết trong khi nhập khẩu vũ khí toàn cầu giảm 4,6% trong giai đoạn 2017-2021 so với 5 năm trước, châu Âu tăng 19%.
“Châu Âu trở thành điểm nóng mới. Chúng tôi không chỉ tăng chi tiêu quân sự ít một mà là rất nhiều. Chúng tôi cần vũ khí mới và rất nhiều trong số đó được nhập khẩu”, Siemon Wezeman – đồng tác giả báo cáo thường niên trong 30 năm của SIPRI – nói thêm phần lớn vũ khí nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu khác và Mỹ.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều đã công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng. Các quốc gia châu Âu dự kiến sẽ mở rộng kho vũ khí với chiến đấu cơ, bao gồm F-35 của Mỹ, tên lửa, pháo và vũ khí hạng nặng.
“Việc mở rộng kho vũ khí cần có quy trình. Thông thường sẽ mất ít nhất khoảng vài năm”, chuyên gia Wezeman giải thích xu hướng này bắt đầu từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập Crimea.
Theo ông Wezeman, thị phần của châu Âu trong hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng từ 10 lên 13% trong 5 năm và tỷ lệ này sẽ tăng "đáng kể". Các chuyên gia ước tính kim ngạch đạt gần 100 tỷ USD mỗi năm.
SIPRI đề cập châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu vũ khí chủ yếu trong 5 năm qua, với 43% hoạt động chuyển giao vũ khí và 6 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới bao gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.
Tại Trung Đông – thị trường lớn thứ 2 chiếm 32% nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tỷ lệ tăng là 3%, nguyên do chủ yếu là từ căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh.
“Giá dầu tăng đồng nghĩa với việc họ sẽ kiếm được nhiều thu nhập và thường chuyển sang đặt hàng các loại vũ khí”, chuyên gia Wezeman lưu ý.
Trong khi đó, châu Mỹ và châu Phi ghi nhận xu hướng giảm trong nhập khẩu vũ khí, lần lượt là 36 và 34%. Mỗi châu lục này chỉ chiếm 6% thị phần vũ khí nhập khẩu toàn cầu.
Mỹ dẫn đầu các quốc gia xuất khẩu vũ khí với 39%, theo sau là Nga với 19% và Pháp là 11%.