Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Kofod nêu rõ: "Chính phủ chuyển tiếp Mali đã tuyên bố công khai tái khẳng định rằng Đan Mạch không được hoan nghênh ở Mali. Đan Mạch không chấp nhận điều này và quyết định rút quân về nước".
Trong một thông báo, quân đội Đan Mạch cho biết sẽ rút lực lượng khỏi Mali trong thời gian sớm nhất, song có thể mất vài tuần để hoàn thành.
Ngày 18/1 vừa qua, Đan Mạch đã cử một biệt đội gồm 105 binh sĩ đến Mali tham gia Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi. Theo Bộ Quốc phòng Đan Mạch, mục tiêu của lực lượng này là ổn định Mali và một số khu vực ở vùng biên giới giữa Mali, Niger và Burkina Faso cũng như bảo vệ dân thường chống lại các nhóm khủng bố. Đan Mạch cho biết việc triển khai quân này được thực hiện sau khi Mali có đề nghị. Tuy nhiên, chính phủ chuyển tiếp tại Mali trong tuần này đã bày tỏ bất ngờ về sự hiện diện quân sự của Đan Mạch, khẳng định vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về đề xuất triển khai binh sĩ của Đan Mạch hồi tháng 6/2021.
Pháp cùng các nước châu Âu khác đã đề nghị chính quyền quân sự Mali cho phép lực lượng đặc nhiệm của Đan Mạch ở lại nước này, đồng thời bác bỏ tuyên bố của quân đội Bamako cho rằng sự hiện diện của quân đội Đan Mạch là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền quân sự chuyển tiếp Mali Abdoulaye Maiga ngày 27/1 tuyên bố Pháp cần ngừng can thiệp vào công việc của Mali.
Lực lượng Takuba đã đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến và cũng là lực lượng nòng cốt trong chiến lược của Pháp tại khu vực Sahel nhằm giảm bớt sự hiện diện của quân đội nước này. Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng này còn bao gồm các binh sĩ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, Cộng hòa Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italy và Hungary. Dự kiến, sứ mệnh của lực lượng quân sự Đan Mạch tại Mali kết thúc vào đầu năm 2023. Việc Mali yêu cầu Đan Mạch rút quân có khả năng ảnh hưởng đến việc triển khai quân đội Na Uy, Hungary, Bồ Đào Nha, Romania và Litva tại quốc gia châu Phi này trong năm nay. Trong đó, Na Uy, Bồ Đào Nha và Hungary vẫn đang chờ phê duyệt để triển khai lực lượng đặc nhiệm của những nước này.