Tạp chí Breaking Defense dẫn lời người phát ngôn của Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 (JPO) Russ Goemaere xác nhận thông tin này hôm 8/3.
Ông Russ Goemaere tiết lộ chứng nhận này thực tế đã được trao sớm hơn nhiều tháng và sớm hơn thời hạn.
Điều này đồng nghĩa với việc tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ F-35A giờ đây được coi là nền tảng song nhiệm, có thể sử dụng được trong cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân.
Theo ông Goemaere, việc chứng nhận cũng cho thấy quá trình phát triển và thử nghiệm khả năng của B61-12 cuối cùng đã hoàn tất và được coi là đạt yêu cầu sau hơn 10 năm nỗ lực.
Ông Goemaere nêu rõ: “F-35A là phi cơ có năng lực hạt nhân thế hệ thứ 5 đầu tiên từ trước đến nay và là chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom mới đầu tiên kể từ đầu những năm 1990 đạt được trạng thái này”. Cũng theo ông, tiến triển này mang lại cho toàn bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khả năng quan trọng đồng thời củng cố các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ.
Dưới đây là video tiêm kích F-35A thử nghiệm với bom B61-12 (nguồn: Popular Mechanics):
Chứng nhận chỉ áp dụng cho F-35A và không bao gồm các biến thể khác của chiến đấu cơ tàng hình này như F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng hoặc F35C trên tàu sân bay. Nó cũng chỉ áp dụng với B61-12, biến thể mới hơn của bom hạt nhân B61, được giới thiệu lần đầu vào năm 1960.
Chương trình với B61-12 được hình thành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, với đợt sản xuất đầu tiên triển khai vào cuối năm 2021 và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2025. Năm 2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chương trình B61-13 để mang đến cho B61 thay đổi lớn hơn. Mỹ đã chia sẻ khoảng 100 quả bom B61 với các đồng minh NATO là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Không quân Mỹ đã vận hành máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 sử dụng B61-12 từ tháng 12/2023. Lực lượng này cũng đang chủ chương sản xuất loại máy bay ném bom kế nhiệm B-2 là B-21 Raider vốn đã cất cánh lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái.