Phát ngôn hiếm hoi trên có thể làm dấy lên lo ngại rằng nguy cơ xảy ra động thái như vậy đang gia tăng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Rossiyskaya Gazeta - tờ báo chính thống của chính phủ Nga, Chuẩn đô đốc Andrei Sinitsyn - người đứng đầu cơ sở thử nghiệm hạt nhân nằm trên quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương – cho biết: "Địa điểm thử nghiệm đã sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động thử nghiệm quy mô lớn. Nó đã sẵn sàng hoàn toàn. Phòng thí nghiệm và các cơ sở thử nghiệm đã sẵn sàng. Nhân sự đã sẵn sàng. Nếu có lệnh, chúng tôi có thể bắt đầu thử nghiệm bất cứ lúc nào”.
Tuyên bố của ông Sinitsyn được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây sẽ được coi là trực tiếp đối đầu với Nga nếu cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất.
"Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là không làm gián đoạn việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước. Nếu nhiệm vụ tiếp tục thử nghiệm được giao, nó sẽ được hoàn thành trong khung thời gian quy định", ông Sinitsyn nhấn mạnh.
Kể từ năm 1990, Moskva đã không tiến hành một cuộc thử vũ khí hạt nhân nào. Tuy nhiên, một số nhà phân tích phương Tây và Nga cho biết Tổng thống Putin có thể ra lệnh thực hiện một cuộc thử nghiệm nhằm gửi thông điệp răn đe đến phương Tây trong trường hợp Ukraine dùng tên lửa tầm xa của các nước này để tấn công Nga. Hiện chủ đề này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine.
Giới quan sát lo ngại một cuộc thử nghiệm hạt nhân của Nga có thể thúc đẩy những nước khác như Trung Quốc hoặcMỹ làm theo, từ đó bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc.
Cơ sở trên quần đảo Novaya là nơi Liên Xô đã tiến hành hơn 200 cuộc thử hạt nhân, bao gồm cả vụ nổ quả bom hạt nhân mạnh nhất thế giới từ trước đến nay vào năm 1961. Nơi đây được các vệ tinh do thám phương Tây theo dõi chặt chẽ sau khi phát hiện các dấu hiệu xây dựng lại và hoạt động vào mùa hè năm ngoái thông qua các hình ảnh vệ tinh.
Tháng 11/2023, Tổng thống Putin đã ký ký luật về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), sau khi cả Hạ viện và Thượng viện Nga thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước vào tháng 10/2023. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó cho biết việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước CTBT đảm bảo sự cân bằng đối với Nga và Mỹ trong lĩnh vực thử hạt nhân khi mà Washington vẫn chưa phê chuẩn Hiệp ước. Ông cũng khẳng định, việc Nga rút khỏi Hiệp ước CTBT sẽ không bao hàm việc khôi phục các cuộc thử nghiệm hạt nhân.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh Moskva sẽ không tiếp tục thử hạt nhân trừ khi Washington làm vậy. Lần thử nghiệm hạt nhân gần nhất của Mỹ là vào năm 1992.
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin cho biết Nga có thể thử vũ khí hạt nhân "nếu cần thiết", nhưng hiện tại không thấy cần phải làm như vậy. Trong một bài viết cho tạp chí kinh doanh Profil hồi tháng 5, Dmitry Suslov - một thành viên cấp cao thuộc một nhóm nghiên cứu và cố vấn cho chính sách của Nga, đã đề xuất Moskva nên cân nhắc một vụ nổ hạt nhân "mang tính biểu dương" để đe dọa phương Tây, ngăn phương Tây không vượt qua “lằn ranh đỏ”.