Cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại Seoul đánh dấu vòng thứ 5, kể từ khi hai nước bắt đầu đàm phán vào tháng 4 để gia hạn thỏa thuận xác định xem Seoul sẽ phải gánh bao nhiêu chi phí nhằm duy trì 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại nước này. Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) hiện nay có hiệu lực trong 6 năm và dự kiến hết hạn vào cuối năm tới. Hàn Quốc đã kêu gọi một thỏa thuận đóng góp chi phí hợp lý, trong khi Mỹ nhấn mạnh mục tiêu đạt được thỏa thuận mà có sự đồng thuận của hai bên.
Cuộc đàm phán SMA diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc dường như đang tìm kiếm một thỏa thuận sớm để tránh khả năng gặp khó khăn hơn khi thương lượng, trong trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Dưới thời Tổng thống Trump, Washington đã yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần khoản thanh toán lên 5 tỷ USD.
Theo thỏa thuận SMA hiện tại, Hàn Quốc cam kết chi 1,03 tỷ USD cho năm 2021, tăng 13,9% so với năm 2019 và tăng khoản đóng góp hằng năm trong 4 năm tiếp theo để đáp ứng với gia tăng chi tiêu quốc phòng của Seoul.
Từ năm 1991, Seoul đã chia sẻ một phần chi phí liên quan các nhân viên USFK; xây dựng các cơ sở quân sự như doanh trại, cũng như các cơ sở đào tạo, giáo dục, điều hành và liên lạc và các hỗ trợ hậu cần khác.