Trong nhiều thập kỷ, Mỹ không phải lo lắng nhiều về tàu ngầm của Trung Quốc. Chúng khá ồn và dễ theo dõi. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát hiện các tàu ngầm "siêu tĩnh" của Mỹ.
Giờ đây, Trung Quốc đang thu hẹp một trong những khoảng cách lớn nhất ngăn cách quân đội Mỹ và Trung Quốc khi nước này đạt được những tiến bộ trong công nghệ tàu ngầm và khả năng phát hiện dưới đáy biển. Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 20/11, điều này sẽ có tác động lớn đến việc lập kế hoạch quân sự của Mỹ cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở Đông Bắc Á.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã hạ thủy một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân với hệ thống động cơ đẩy phản lực thay vì cánh quạt. Đây là lần đầu tiên công nghệ giảm tiếng ồn được sử dụng trên các tàu ngầm mới nhất của Mỹ được thấy trên tàu ngầm Trung Quốc.
Vài tháng trước đó, các hình ảnh vệ tinh về cơ sở sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc ở thành phố Huludao phía Đông Bắc cho thấy các phần thân tàu được bố trí trong khu phức hợp lớn hơn thân của bất kỳ tàu ngầm nào hiện có của Trung Quốc. Tòa nhà chế tạo hiện đại thứ hai tại nhà máy đã được hoàn thành vào năm 2021, cho thấy kế hoạch tăng số lượng.
Đồng thời, Tây Thái Bình Dương ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với tàu ngầm Mỹ. Bắc Kinh đã xây dựng hoặc gần hoàn thành một số mạng lưới cảm biến dưới nước, được gọi là “Vạn lý trường thành dưới biển” ở Biển Đông và các khu vực khác xung quanh bờ biển Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc, đang tiến bộ hơn trong việc phát hiện tàu ngầm của đối phương bằng cách bổ sung thêm máy bay tuần tra và trực thăng thu thập thông tin sóng siêu âm từ các phao trên biển. Hầu hết hải quân Trung Quốc hiện nay có khả năng triển khai các thiết bị nghe lén dưới nước gọi là hydrophone trên các dây cáp kéo theo tàu hoặc tàu ngầm.
Hồi tháng 8, Trung Quốc tiến hành tập trận săn tàu ngầm kéo dài hơn 40 giờ ở Biển Đông với sự tham gia của hàng chục máy bay tuần tra chống ngầm Y-8. Vài tuần trước đó, hải quân Trung Quốc và Nga đã tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm chung ở biển Bering, ngoài khơi Alaska.
Christopher Carlson , cựu sĩ quan hải quân Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc cũng cần những chiến lược mới dưới biển để đối mặt với một đối thủ mạnh hơn. Ông nêu rõ Mỹ cần nhiều nguồn lực hơn, chẳng hạn như máy bay tuần tra và tàu ngầm tấn công, để định vị, theo dõi và có khả năng nhắm mục tiêu vào thế hệ tàu ngầm mới chạy êm hơn của Trung Quốc.
Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của Mỹ trong việc đối phó hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện vào tháng 3 năm nay, khi Tướng Anthony Cotton, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cho biết trong một phiên điều trần trước quốc hội rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa mới trên các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Mỹ trong khi chúng vẫn ở gần Trung Quốc.
Theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc này là một trong những vai trò chính của hải quân Mỹ và các tàu ngầm tấn công của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phần lớn công nghệ tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc đến từ các tàu ngầm điện-diesel được mua từ Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Moskva và Bắc Kinh sau cuộc xung đột ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể sẵn sàng chia sẻ một số công nghệ tàu ngầm tiên tiến với Trung Quốc, nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc chuyển giao như vậy.
Tất nhiên, thế hệ tàu ngầm hạt nhân tiếp theo của Trung Quốc vẫn còn vài năm nữa mới xuất hiện và tiến triển đáng kể trong chương trình hiện đại hóa của họ vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Cũng khó có khả năng Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp Mỹ về công nghệ tàu ngầm. Các nhà phân tích quân sự cho biết, các tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới nhất của Mỹ và các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia đã đi trước nhiều thế hệ so với năng lực của Trung Quốc về công nghệ giảm tiếng ồn, động cơ đẩy, hệ thống vũ khí và các lĩnh vực khác.
"Nhưng Trung Quốc không nhất thiết phải bắt kịp năng lực của Mỹ. Bằng cách chế tạo các tàu ngầm khó bị phát hiện hơn và sản xuất trên quy mô lớn, chúng sẽ khiến Mỹ tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn để phát hiện và theo dõi.
Để tuần tra khu vực, Mỹ luân chuyển các phi đội máy bay P-8 qua căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản. Một sĩ quan tác chiến chống ngầm mới nghỉ hưu của Mỹ gần đây nói rằng việc thiếu máy bay tuần tra chống ngầm của Mỹ đồn trú thường xuyên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một bất lợi.
“Chúng tôi biết tàu ngầm của họ hiện đang ở đâu. Nhưng việc tiếp tục làm như vậy còn phụ thuộc vào việc có đủ tài sản để theo dõi chúng hay không”, ông nói.
Những tiềm lực và thành công gần đây của Trung Quốc cũng cho thấy sự thiếu hụt hạm đội tàu ngầm mà Mỹ đang phải đối mặt. Hải quân Mỹ đã bắt đầu điều động nhiều tàu ngầm hơn đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cho biết họ cần 66 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân để đáp ứng các nhiệm vụ toàn cầu. Mỹ có 67 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chỉ có 49 trong số đó là tàu ngầm tấn công, do hoạt động chế tạo bị suy giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hạm đội tàu ngầm tấn công của nước này được dự báo sẽ giảm xuống còn 46 chiếc vào năm 2030 khi các tàu ngầm cũ ngừng hoạt động, trước khi phục hồi lên 50 chiếc vào năm 2036 nếu đạt được tốc độ đóng hai tàu ngầm hàng năm, tăng từ tỷ lệ hiện tại là 1,2 tàu/năm. Trong kịch bản lạc quan nhất, hải quân Mỹ sẽ có 66 tàu ngầm tấn công vào năm 2049.
Trong đánh giá thường niên về quân đội Trung Quốc được công bố trong tháng này, Lầu Năm Góc dự báo Trung Quốc sẽ có tổng cộng 80 tàu ngầm tấn công và mang tên lửa đạn đạo vào năm 2035, tăng so với 60 tàu vào cuối năm ngoái.
Căn cứ chính cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc nằm trên đảo Hải Nam ở phía Nam. Để chứa được nhiều tàu ngầm hơn, Trung Quốc đã bổ sung thêm hai cầu tàu mới tại căn cứ trong năm nay, bên cạnh bốn cầu tàu hiện có. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc phát triển các tàu ngầm tiên tiến hơn làm tăng khả năng xảy ra đối đầu quân sự với Mỹ trong thập kỷ này.