Theo thông báo của Nhà Trắng, gói viện trợ bao gồm các thiết bị phòng không, xe bọc thép, cũng như các loại đạn dược quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine. Cụ thể, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine hàng trăm tên lửa phòng không, pháo binh, hàng trăm xe bọc thép chở quân và hàng nghìn xe bọc thép bổ sung trong những tháng tới. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, ông Biden cũng thông báo về những nỗ lực tăng cường hỗ trợ Ukraine trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky cũng cập nhật cho Tổng thống Biden về kế hoạch giải quyết xung đột. Hai nhà lãnh đạo đã chỉ thị cho các nhóm đàm phán của hai nước tham vấn sâu hơn về những bước tiếp theo.
Dự kiến vào tháng 11, Tổng thống Biden sẽ có cuộc họp trực tuyến với các đồng minh của Ukraine nhằm đẩy mạnh hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này. Kể từ khi xung đột bùng phát, Mỹ đã cung cấp khoảng 175 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tuyên bố các quốc gia thành viên NATO đang tiếp tục thực hiện cam kết viện trợ quân sự 40 tỷ euro (43,53 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay.
Phát biểu trước báo giới, ông Rutte cho biết đến nay, các quốc gia thành viên NATO đã triển khai được một nửa số tiền viện trợ cam kết trước đó. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, các đồng minh NATO đã cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 20,9 tỷ euro (22,7 tỷ USD) cho Ukraine, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết viện trợ trong thời gian còn lại của năm. Tổng Thư ký cũng cho biết phái bộ mới của NATO về vấn đề Ukraine, đặt tại thành phố Wiesbaden (Đức), sẽ chính thức hoạt động trong vài tháng tới.