Mỹ phát triển Patriot và phiên chế tên lửa phòng không này từ năm 1981. Patriot là hệ thống di động thường bao gồm radar, trạm điều khiển, máy phát điện, trạm phóng và các phương tiện hỗ trợ khác. Patriot bắt đầu nổi danh từ năm 1991 trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, khi đánh chặn được tên lửa Scud từ quân đội Iraq dưới thời ông Saddam Hussein.
Hệ thống Patriot có các khả năng khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa đánh chặn được sử dụng. Tên lửa PAC-2 sở hữu đầu đạn nổ phân mảnh, trong khi PAC-3 mới hơn sử dụng công nghệ tấn công-tiêu diệt tiên tiến hơn. PAC-3 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không như tiêm kích, phương tiện không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 2/11 đưa tin, nhiều báo cáo cho thấy Hải quân Mỹ có kế trang bị tên lửa đánh chặn Patriot dòng PAC-3 MSE cho các chiến hạm.
Chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C. - ông Tom Karako phân tích rằng nhu cầu về tên lửa đánh chặn này đã tăng vọt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ số lượng chính xác mà Hải quân Mỹ cần.
Trong khi đó, ông Abdul Rahman Yaacob tại Viện Lowy, phát biểu với tờ This Week in Asia rằng việc tích hợp các tên lửa Patriot vào hệ thống phòng không của tàu chiến Mỹ có thể "làm thay đổi cuộc chơi". Động thái này giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ và mang lại lợi thế đáng kể cho các đồng minh của nước này trong trường hợp cần hỗ trợ.
Ông Rahman giải thích rằng PAC-3 MSE sẽ làm giảm hiệu quả của chiến lược áp đảo lực lượng đối lập về mặt số lượng quân số, tên lửa hoặc chiến đấu cơ và chiến hạm. Theo ông Rahman, cuộc tấn công của Iran vào căn cứ không quân của Israel hồi đầu tháng 10 là một ví dụ điển hình cho chiến lược này.
Tối 1/10, Iran phóng hơn 180 tên lửa nhằm vào Israel. Iran khẳng định động thái này nhằm đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. IRGC cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công "nghiền nát" nếu trả đũa. Quân đội Israel ngày 2/10 thừa nhận một số căn cứ không quân của nước này đã trúng tên lửa đạn đạo lớn của Iran vào đêm trước đó.
Trong khi đó, giáo sư Paul J. Smith tại Đại học Hải chiến Mỹ đánh giá rằng Quốc hội Mỹ đã bày tỏ ủng hộ việc tích hợp PAC-3 MSE vào các chiến hạm của nước này. Theo ông Smith, PAC-3 MSE sở hữu động cơ và hệ thống dẫn đường được cải tiến, khiến chúng trở nên vô cùng hữu ích cho phòng thủ hàng hải. PAC-3 MSE cũng hỗ trợ cho các tên lửa phòng thủ chính của Hải quân Mỹ như SM-2 và SM-6 dành cho phòng không tầm xa, chống lại các mối đe dọa như tên lửa chống hạm.
Ông Smith cho biết, một trong những thách thức lớn nhất mà hải quân hiện đại phải đối mặt là mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như thiết bị bay không người lái giá rẻ. Ông bổ sung rằng biến thể PAC-3 MSE mới, đã chứng minh được hiệu quả trên đất liền ở châu Âu, và hứu hẹn trở thành công cụ bổ sung cho Mỹ để chống lại các mối đe dọa trên biển này.
Vào tháng 8, Mỹ chấp thuận bán 600 tên lửa PAC-3 MSE, trị giá ước tính 5 tỷ USD cho Đức. Tương tự, Tây Ban Nha vào tháng 7 thông báo sẽ mua PAC-3 MSE và thiết bị hỗ trợ. Thụy Sĩ đã ký một hợp đồng vào tháng 10/2023 để hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình bằng PAC-3 MSE.
Nhật Bản đã nhất trí đồng sản xuất hệ thống PAC-3 MSE trong cuộc họp của Ủy ban tư vấn an ninh Mỹ-Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo vào ngày 28/7. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá quan hệ đối tác này sẽ giúp "đáp ứng nhu cầu quan trọng đối với các hệ thống tiên tiến như vậy".
Theo CSIS, một hệ thống Patriot mới sản xuất có giá hơn 1 tỷ USD. Tập đoàn vũ khí Raytheon đã chế tạo hơn 240 hệ thống Patriot và hiện đang được 18 quốc gia sử dụng, bao gồm cả Mỹ. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết radar của Patriot có phạm vi hoạt động hơn 150 km.