Nhiều người cho rằng Quốc hội Mỹ ghét phải cắt giảm hoặc ngừng các hệ thống vũ khí, thường vì các lý do liên quan đến việc làm và bầu cử trong nước. Nhưng các báo cáo gần đây cho thấy Đồi Capitol ngày càng muốn cắt bớt việc mua các trang thiết bị quân sự mới trong khi hạn chế việc từ bỏ hoặc cho các các loại vũ khí cũ “về vườn”.Theo ông Mackenzie Eaglen, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marilyn Ware tại Viện Kinh doanh Mỹ, xu hướng này ngày càng gây ra sự khó hiểu đối với quân đội Mỹ. Trong nhiều phạm vi và lĩnh vực, ưu thế công nghệ truyền thống của quân đội Mỹ đang ngày càng giảm đi ở tất cả các quân binh chủng. Thường thì các nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ xem điều này như một thách thức đang nổi lên mà có thể được giải quyết trong những năm tới. Nhưng, theo các tài liệu trước đây và những tuyên bố của các quan chức Lầu Năm Góc trong suốt 1 năm qua, ưu thế quân sự đang suy giảm của Mỹ hiện nay là một vấn đề “cấp bách”.
Frank Kendall, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về trang bị, công nghệ và hậu cần gần đây đã phát biểu: “Tôi rất lo ngại về việc ưu thế công nghệ đang bị xói mòn, lĩnh vực mà chúng tôi luôn đi đầu. Chúng ta đã trải qua hơn 20 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và có một số suy đoán rằng Mỹ vẫn có ưu thế về công nghệ quân sự. Tôi không nghĩ rằng đó là một giả định an toàn. Thực tế, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tự mãn về điều đó và chúng tôi đã sao lãng về vấn đề này trong 10 năm qua vì cuộc chiến chống nổi dậy”.
Sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm? |
Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Sam Locklear cũng đồng tình với quan điểm trên và lưu ý thêm: “Sự thống trị trong lịch sử của chúng tôi đang giảm đi, không còn nghi ngờ gì nữa”.
Hiện nay, ngân sách quốc phòng của Mỹ đang trong giai đoạn cắt giảm năm thứ 4 liên tiếp, số tiền ít ỏi còn lại này lại đang phải tập trung tài trợ cho hệ thống vũ khí cũ, nên nó đã ảnh hưởng đến việc mua sắm những loại vũ khí mới. Chi phí cho những trang thiết bị cũ không phải là một hóa đơn cố định, nó sẽ ngày càng tăng lên khi các trang thiết bị bị lão hóa và cần chi phí nhiều hơn để bảo trì, bảo dưỡng. Chính những điều này đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến việc hiện đại hóa vũ khí trang bị, lực lượng trong tương lai và sức mạnh chiến đấu của quân đội Mỹ.
Trong thập kỷ qua, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thông qua việc cắt ngắn và chấm dứt sớm nhiều chương trình vũ khí lớn nhỏ. Ví dụ gần đây nhất là ngân sách quốc phòng mà Quốc hội thông qua cho năm tài khóa 2015: Máy bay chiến đấu F-35 là một phần quan trọng của Không quân, Thủy quân lục chiến và các kế hoạch hiện đại hóa hải quân. Tuy nhiên, với ngân sách gần như bị cắt giảm liên tục, Lầu Năm Góc đã buộc phải thu nhỏ số lượng đặt mua theo dự kiến vào năm ngoái với 42 chiếc F-35 xuống còn 35 chiếc vào năm 2015.
F-35 là một máy bay chiến đấu đa chức năng và được thiết kế để thay thế nhiều máy bay cũ, trong đó có máy bay A-10 Warthog từng phục vụ trong Không quân Mỹ gần 40 năm. Vì F-35, Lầu Năm Góc đã buộc phải đề xuất cắt giảm A-10 do ngân sách hạn hẹp mà Quốc hội nước này ban hành. Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm A-10 đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa trong các nhà lập pháp. Nếu Quốc hội cấm Lầu Năm Góc cho A-10 “nghỉ hưu”, Không quân Mỹ sẽ buộc phải đầu tư vào các ưu tiên khác.
Trong khi việc một loạt kế hoạch quốc phòng gần đây của Lầu Năm Góc bị ngăn chặn đang gây được sự chú ý - như đề xuất cho A-10 và máy bay ném bom do thám U-2 nghỉ hưu, cũng như ngừng hoạt động tạm thời 11 tàu tuần dương và 3 tàu đổ bộ - thì sự chỉ trích từ Quốc hội (Mỹ) về các đề xuất tạm dừng hoạt động của một số loại vũ khí trong quân đội Mỹ không phải là một hiện tượng mới. Năm 2001, Quốc hội đã cấm cho tàu ngầm lớp Los Angeles và Ohio “về vườn”, trừ khi chúng được coi là không an toàn.
Năm 2005, Quốc hội không cho phép ngừng hoạt động đối với tất cả các máy bay chiến đấu tàng hình F-117 đã được sử dụng năm 2004, cũng như tất cả các phiên bản E của tàu chở dầu KC-135. Năm 2011, các nhà lập pháp đã cấm Hải quân cho các máy bay do thám EP-3E nghỉ hưu. Trong năm 2013 và 2014, Quốc hội từ chối kế hoạch của Lầu Năm Góc ngừng hoạt động các tàu tuần dương và tàu đổ bộ (với một ngoại lệ), cũng như các trực thăng Global Hawk RQ-4 Block 30. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng đã có các hành động ngăn chặn việc cho máy bay vận tải C-5 và C-130E cùng với máy bay ném bom B-52 và B-1 ngừng hoạt động kể từ năm 2001.
Một chiếc máy bay chiến đấu của không quân Mỹ trong xưởng bảo dưỡng. |
Việc trì hoãn và hạn chế “về hưu” đối với các loại vũ khí cũ đã dẫn đến sự hao phí rất thực tế: Lầu Năm Góc đã buộc phải tìm cách tiết kiệm ngân sách ở những lĩnh vực quốc phòng khác, dẫn đến giảm khả năng quân sự và gây ảnh hưởng đến các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí trang bị.
Trong khi đó, Quốc hội lại thường xuyên kéo dài và cắt bớt các chương trình trang bị mới. Nhiều ví dụ về trường hợp này diễn ra trong năm 2010 và 2011, khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đề xuất hủy bỏ hoặc chấm dứt sản xuất các loại vũ khí như máy bay chiến đấu F-22, máy bay vận chuyển hàng hóa C-17, tàu tuần dương CG (X), động cơ thay thế F -136, trực thăng chiến đấu tìm kiếm cứu nạn của Không quân, máy bay trực thăng VH-71 và các hệ thống chiến đấu tương lai của quân đội.