Trong nội dung Kime No Kata, Huy chương Vàng thuộc về 2 vận động viên Đoàn Quân đội là Nguyễn Cường Thịnh và Tạ Đức Huy. Đoàn Bắc Ninh đoạt Huy chương Bạc; Đoàn Hậu Giang và Đồng Tháp cùng nhận Huy chương Đồng.
Kỹ thuật Kodokan Goshin Jutsu, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, với sự trình diễn của 2 vận động viên Nguyễn Thành Đạt và Hà Minh Minh Đức đã giành Huy chương Vàng. Huy chương Bạc thuộc về Đoàn Quân đội. Huy chương Đồng thuộc về Đội Đồng Nai và Bạc Liêu.
Ở kỹ thuật Nage No Kata, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh giành Huy chương Vàng, Đoàn Quân đội Huy chương Bạc, Hậu Giang và Bình Dương cùng nhận Huy chương Đồng.
Hai nữ võ sỹ Trần Lê Phương Nga và Vĩ Thị Thanh (Đoàn Bạc Liêu) giành Huy chương Vàng nội dung kỹ thuật Ju No Kata. Huy chương Bạc thuộc về Đoàn Quân đội, Hậu Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu nhận Huy chương Đồng.
Kỹ thuật Katame No Kata, Đoàn Hậu Giang được Huy chương Vàng, Đoàn Quân đội giành Huy chương Bạc. Sóc Trăng và Bà Rịa-Vũng Tàu nhận Huy chương Đồng.
Như vậy, sau 5 ngày thi đấu Judo, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh có 8 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng, đứng đầu bảng xếp hạng. Các vận động viên nam, hạng cân lớn là những người đã mang đến nhiều thành tích cho đội Thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí tiếp theo là Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp cũng được 3 Huy chương Vàng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết, Đại hội này môn Judo quy tụ nhiều vận động viên mạnh nên chất lượng chuyên môn rất tốt. Lứa vận động viên Judo hiện tại đã mang đến vị trí rất tốt cho Judo Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, nhiều vận động viên đã tích cực tham gia thi đấu vòng loại để giành vé tham dự Olympic. Mục tiêu của Judo Việt Nam là từng bước nâng cao chất lượng các vận động viên để giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, Judo là môn phổ biến ở châu Á, do vậy các nhà vô địch Judo tại ASIAD cũng là nhà vô địch Judo thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ là những quốc gia có phong trào Judo phát triển mạnh cũng như có nhiều vận động viên xuất sắc.
Trong môn Judo, các vận động viên Việt Nam có lợi thế là sự khéo léo nhưng lại kém về thể lực. Để phát triển thêm kỹ năng, các vận động viên cần được đầu tư tập huấn tại những quốc gia có nền Judo mạnh như Nhật Bản để được bồi dưỡng nhiều hơn nữa về thể lực, hướng đến mục tiêu giành thắng lợi ở đấu trường lớn.
Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam chia sẻ, trước đây, khi gặp những vận động viên Judo Nhật Bản hoặc nhập tịch từ các quốc gia khác, nhiều vận động viên Judo của Việt Nam cảm thấy lo âu, không tự tin. Nhờ sự huấn luyện bài bản, cũng như tăng cường thi đấu cọ xát, tập huấn ở nước ngoài, chất lượng của Judo Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tại kỳ SEA Games 31 vừa qua, võ sỹ Judo Việt Nam đã thi đấu tự tin hơn, lần đầu tiên Đoàn Judo Việt Nam giành 9 Huy chương Vàng. Nhiều vận động viên Việt Nam đã chiến thắng vận động viên Nhật Bản và cả những vận động viên nhập quốc tịch về thi đấu tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, phong trào Judo đã phát triển tại hơn 30 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Judo Việt Nam phát hiện được vận động viên xuất sắc. Tuy nhiên, để theo đuổi thể thao thành tích cao, có huy chương ở những giải đấu khu vực và thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Cần sự đầu tư lớn và bài bản hơn nữa.
Do hạn chế về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương, nên vận động viên Judo chưa được tham gia tập huấn ở nước ngoài nhiều. Thông qua Đại hội Thể thao toàn quốc này, Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam mong mỏi các địa phương, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ có đầu tư tốt hơn những vận động viên Judo xuất sắc để Judo Việt Nam tiếp tục phát triển và gặt hái được thành tích cao ở kỳ SEA Games và ASIAD sắp tới.