Bế mạc Paralympic Paris 2024: Chia tay mùa hè đặc biệt

Thế vận hội Paralympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 28/8 - 8/9, đúng vào thời điểm châu Âu kết thúc kỳ nghỉ lễ và học sinh bước vào năm học mới, nhưng không vì thế sự kiện bớt phần sôi nổi. Mặc dù số lượng khán giả có giảm so với Olympic Paris nhưng sự sôi động trên các khán đài vẫn không hề thua kém.

Chú thích ảnh
Màn đêm lung linh trong lễ khai mạc Paralympic 2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Khoảng 15 đơn vị tham gia đã báo cáo mức doanh thu đạt 90%. Các địa điểm mang tính biểu tượng của Thế vận hội Paralympic như Grand Palais, Sân vận động Tháp Eiffel, Điện Invalides và Lâu đài Versailles bán được từ 95 - 100% số vé đã phát hành. Tổng cộng trung bình 22 môn thi đấu của Paralympic có hơn 75% số vé đã được bán.

Theo thông báo của Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024, có tổng cộng hơn 2,3 triệu vé được bán ra cho 22 môn thi đấu trong 10 ngày của Paralympic (so với 9,5 triệu vé cho 44 môn thi đấu trong 15 ngày của Olympic), trong đó lễ khai mạc Paralympic là hơn 230.000 vé.

Với 92% khán giả là người Pháp, việc bố trí các môn thi đấu vào cuối chiều và tối, nên mặc dù vào năm học mới và người lớn đã trở lại với công việc, song số lượng khán giả mua vé xem các trận thi đấu vẫn rất đông. Bên cạnh đó, trẻ em cũng được hưởng ưu đãi để đến xem trực tiếp Thế vận hội. Nhà nước phát miễn phí 200.000 vé cho các trường tiểu học, trung học cơ sở đến xem các môn thi đấu của Paralympic. Điều này đã tạo ra một sự phấn khích rất lớn cho các em học sinh khi có cơ hội tìm hiểu luật của các môn thể thao và đặc biệt là có thể gặp trực tiếp những vận động viên nổi tiếng, những nhà vô địch vĩ đại.

Các vòng tròn Olympic sẽ vẫn được giữ nguyên trên Tháp Eiffel sau khi Thế vận hội Paris 2024 kết thúc - theo đề xuất của Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo. Đồng thời, biểu tượng Agitos (từ viết tắt của Paralympic) hiện nằm trên nóc của Khải Hoàn Môn, sẽ được chuyển về lắp đặt ở lối ra của ga tàu điện ngầm Champs-Elysées-Clémenceau, đối diện với tượng của Tướng Charles de Gaulle trên đại lộ Champs-Élysées.

Theo Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, bà đã đưa ra đề xuất trên và được Tòa thị chính Paris đồng ý, quyết định duy trì vòng tròn Olympic trên Tháp Eiffel và Agitos trên đại lộ Champs-Élysées, ít nhất tới năm 2028 là thời điểm tổ chức kỳ Thế vận hội tiếp theo. Bà cho biết những chiếc vòng nhẹ hơn và được thiết kế đặc biệt để chịu được điều kiện mùa Đông đang được làm để thay thế những chiếc vòng hiện tại. 

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề xuất nên duy trì vĩnh viễn “Vạc lửa Olympic Paris 2024” tại vườn hoa Tuileries. Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều liên quan tới kinh phí duy trì, bảo dưỡng cũng như vấn đề bản quyền.

Thực tế, việc sử dụng các biểu tượng Olympic phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Hầu hết mọi thứ liên quan đến Thế vận hội: ngọn đuốc, biểu tượng, linh vật và thậm chí cả khẩu hiệu nổi tiếng “Citius - Altius - Fortius” (Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn) và các bản dịch sang các ngôn ngữ khác nhau cũng thuộc về IOC. Ngọn lửa Olympic của thành phố đăng cai, ngay cả khi chạy bằng điện và sẵn sàng bay lên trời vào ban đêm, cũng sẽ phải được dập tắt sau khi Thế vận hội kết thúc và chỉ được thắp sáng trở lại trong kỳ Thế vận hội tiếp theo. Do đó, “Vạc lửa Olympic Paris 2024” có thể sẽ không được duy trì vĩnh viễn sau khi Thế vận hội kết thúc. Hiện các vòng tròn Olympic do ArcelorMittal sản xuất cũng như khoảng 2.000 ngọn đuốc Olympic được sử dụng cho hành trình rước lửa cũng đã được bàn giao lại cho IOC.

Ngày 8/9/2024 đánh dấu chặng đường chính thức của Thế vận hội, từ Paris 2024 đến Los Angeles 2028. Khoảng một tháng sau khi truyền cờ Olympic, lễ bế mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Paris 2024 được tổ chức tại cùng một địa điểm ở trên sân vận động Stade de France, để khép lại một chương mới trong lịch sử Thế vận hội. Khoảnh khắc này sẽ là cơ hội cuối cùng để Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật của 4 buổi lễ của Thế vận hội Paris 2024, thể hiện sự sáng tạo và ghi lại ấn tượng độc đáo với toàn thế giới. Buổi lễ cũng là cơ hội để tôn vinh các vận động viên Paralympic và những màn trình diễn đầy cảm hứng của họ, mang đến một sự kiện khó quên được chia sẻ giữa các vận động viên và những người hâm mộ.

Lần đầu tiên Paris tổ chức Thế vận hội Paralympic nhưng đã thành công vang dội với những khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Cung thủ người Anh Jodie Grinham trở thành vận động viên đầu tiên giành huy chương Paralympic khi đang mang thai; võ sĩ taekwondo Zakia Khudadadi giành huy chương đầu tiên cho đội Paralympic người tị nạn; vận động viên Matt Stutzman của Mỹ được mệnh danh là “cung thủ không tay”, đã giành HCV sau 12 năm, khi giành HCB Paralympic duy nhất tại London 2012…

Thời điểm nói lời tạm biệt đã đến. Sân vận động Stade de France sẽ là nơi chia tay các vận động viên đã thắp sáng 12 ngày thi đấu, với đường đua màu hoa oải hương đặc trưng, đã tổ chức nhiều màn trình diễn tuyệt vời. Hôm nay, nơi đây sẽ làm nền cho một bữa tiệc khổng lồ, trong đó 24 DJ của Pháp sẽ mang tới một “bữa tiệc âm nhạc điện tử” lớn nhất thế giới, để chúc mừng 4.400 VĐV và 1 đoàn Paralympic trên toàn thế giới. Các DJ nổi tiếng của Pháp như Jean-Michel Jarre, Étienne de Crécy, Cassius và Kavinsky, Martin Solveig, Ofenbach, Kungs, Irène Drésel, Boston Bun,... sẽ điều hành buổi âm nhạc được phát trực tiếp trong gần 3 giờ trước 60.000 khán giả. Nhà soạn nhạc Jean-Michel Jarre sẽ là ngôi sao lớn của buổi lễ này. Ở tuổi 76, ông là cầu nối giữa các thế hệ, sẽ biến Paris thành một lễ kỷ niệm và nói lời tạm biệt với Thế vận hội Paralympic bằng nụ cười và kỷ lục huy chương cho Pháp.

Ngọn lửa Olympic ở Tuileries cũng sẽ tắt, đánh dấu sự kết thúc của Thế vận hội 2024. Lễ bế mạc diễn ra lúc 20h30 (1h30 ngày 9/9 giờ Việt Nam) và kết thúc vào lúc 23h00. Đêm bế mạc hoành tráng này cũng sẽ dành chỗ cho tất cả các nghi thức truyền thống, như các bài phát biểu, cảm ơn các tình nguyện viên cũng như việc chuyển cờ Paralympic cho nước chủ nhà Mỹ của kỳ Thế vận hội 2028.

Lễ bế mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật tràn ngập cảm xúc, đánh dấu sự kết thúc của một mùa Hè đặc biệt. Nhịp sống nước Pháp dường như sôi động hơn, rộn ràng hơn, người dân Pháp hứng khởi trở lại, theo nhịp điệu của các kỳ tích thể thao và sự cuồng nhiệt trên những con phố, trong các lễ hội và trên sân vận động. Nước Pháp đã có một kỳ Thế vận hội thành công ngoài mong đợi, sự hân hoan đã trở lại với người dân Pháp, hôm nay và sẽ còn kéo dài mãi.

Ngọc Hiệp (Phóng viên TTXVN tại Pháp)
Paralympic 2024: Ấm lòng tình cảm người Việt tại Pháp dành cho VĐV khuyết tật Việt Nam
Paralympic 2024: Ấm lòng tình cảm người Việt tại Pháp dành cho VĐV khuyết tật Việt Nam

Sáng 7/9, tại làng Thế vận hội ở ngoại ô thủ đô Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tới thăm đoàn vận động viên Việt Nam tham dự Thế vận hội thể thao người khuyết tật Paralympic Paris 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN