Bên cạnh đó, môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng hơn cũng hỗ trợ đà tăng cho giá kim loại quý này.
Vào lúc 14 giờ 48 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.703,61 USD/ounce sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.714 USD/ounce vào đầu phiên. Từ đầu tuần đến nay, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 2%.
Theo chiến lược gia Christopher Wong của ngân hàng OCBC, giá vàng có thể tiếp tục tăng do bất ổn địa chính trị và sự thiếu chắc chắn liên quan đến cuộc bầu cử.
Thị trường đang lo lắng về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông khi Israel giao tranh với Hamas ở dải Gaza và gần đây hơn là lực lượng Hezbollah ở miền Nam Liban. Hiện có những lo ngại về khả năng xung đột làn rộng.
Số liệu về doanh số bán lẻ mới đây của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mạnh lên. Dù vậy, các nhà giao dịch vẫn dự kiến có 90% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ được cắt giảm lãi suất vào tháng Mười Một. Mới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Môi trường lãi suất thấp hơn giúp làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Chuyên gia Ryan McIntyre, tại công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn, một phần do tình hình tài chính bấp bênh của nhiều quốc gia phương Tây.
Hơn nữa, các ngân hàng trung ương tiếp tục coi vàng là thành phần quan trọng trong chiến lược dự trữ, nhấn mạnh vai trò của kim loại quý này như một tài sản đa dạng hóa đầu tư và đảm bảo an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 18/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).