Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,8% xuống .104,86 điểm, bất chấp sự suy yếu của đồng yen do kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất giảm xuống. Đồng yen đang ở mức hơn 152 yen đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 7. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Wellington, Manila, Jakarta và Đài Bắc.
Ngược lại, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,3% lên 20.765,45 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.302,80 điểm. Các thị trường Sydney, Seoul, Singapore và Mumbai cũng đi lên trong phiên này.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 1,01 điểm, hay 0,08%, lên 1.270,9 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 1 điểm, hay 0,44%, lên 226,5 điểm.
Đà tăng ấn tượng trên thị trường toàn cầu - đặc biệt là ở New York - có dấu hiệu hụt hơi, khi giới giao dịch đang điều chỉnh lại các dự báo về lộ trình lãi suất của Fed sau các số liệu kinh tế khả quan hơn dự đoán, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giảm mạnh lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới đã bị đẩy lùi, sau khi một loạt dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang khỏe mạnh và thị trường lao động vẫn ổn định.
Một số thành viên chủ chốt trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - cho biết, dù ủng hộ việc giảm lãi suất hơn nữa, nhưng họ không muốn hành động quá nhanh.
Bên cạnh đó, thị trường đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với khả năng ông Donald Trump có thể giành chiến thắng. Giới quan sát cảnh báo rằng nếu đắc cử, ông Trump có thể sẽ thực hiện cắt giảm thuế và áp đặt thuế quan - những chính sách có thể khiến lạm phát bùng phát trở lại.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá vàng - được xem là kênh trú ẩn an toàn - lên đỉnh cao mới.