Chứng khoán Mỹ kết thúc tháng 5 với sắc xanh

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 31/5 với sắc xanh trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng tính theo ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2023. Cả ba chỉ số chính của phố Wall đều tăng ấn tượng trong tháng 5.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN

Hầu hết các nhóm ngành chính trong S&P 500 đều đi lên, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức tăng 2,5%. Ngược lại, nhóm công nghệ đóng cửa giảm nhẹ.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 574,84 điểm, tương đương 1,51%, lên .6,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,03 điểm (0,80%) lên 5.277,51 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,06 điểm (0,01%) xuống 16.735,02 điểm.

Tính chung cả tháng, S&P 500 tăng khoảng 4,8%, Nasdaq tăng vọt 6,9% và Dow Jones tăng 2,4%.

Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ đạt 14,60 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,56 tỷ cổ phiếu cho toàn phiên trong 20 ngày giao dịch trước đó. Nhà đồng sáng lập kiêm đồng Giám đốc Giao dịch Cổ phiếu tại Themis Trading ở Chatham, New Jersey, ông Joe Saluzzi cho biết khối lượng giao dịch chắc chắn đã tăng đột biến vào cuối phiên, điều này có thể liên quan đến việc điều chỉnh vị thế vào cuối tháng.

Cơ quan phân tích số liệu kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này đã tăng với tốc độ 2,7% trong tháng 4/2024, bằng với tháng trước đó và phù hợp với dự báo của các nhà phân tích. Chỉ số PCE là một trong những thước đo lạm phát được Fed theo dõi để hướng đến mục tiêu lạm phát 2%. Để đạt được điều này, chỉ số PCE cần tăng ở mức 0,2% theo tháng trong một khoảng thời gian.

Số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau khi điều chỉnh được công bố ngày 30/5 cũng cho thấy mức tăng chi tiêu tiêu dùng giảm xuống còn 2,0% trong quý I năm nay, từ mức 3,3% trong quý IV năm ngoái. Tình hình chi tiêu tiêu dùng ảm đạm này là yếu tố vừa có thể hỗ trợ nỗ lực ứng phó lạm phát của Fed, nhưng cũng gây ra sự lo ngại nếu nền kinh tế hạ nhiệt quá nhanh.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang về thị trường chứng khoán Briefing.com cho biết số liệu PCE tính theo tỷ lệ năm không kém, song cũng không có dấu hiệu cải thiện, do đó khó có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát đang đi vào quỹ đạo 2% một cách bền vững.

Các đồn đoán về số lần Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay đã giảm dần do một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và cảnh báo từ những nhà hoạch định chính sách rằng họ muốn thấy bằng chứng rõ ràng rằng giá cả được kiểm soát trước khi thực hiện động thái trên.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đi ngang trong tháng Tư là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Fed. Điều này cho thấy đà tăng giá cao có thể kéo dài hơn dự đoán và làm dấy lên nghi ngại về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Fed mới đây cũng công bố báo cáo Sách Begie nhận định kinh tế Mỹ tính tới tháng 5/2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, song rủi ro suy thoái vẫn còn.

Sách Begie tháng 5 đã công bố các số liệu và đánh giá mới nhất về tình hình kinh tế tại 12 khu vực đảm trách của Fed. Theo tài liệu này, về tổng thể nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng từ đầu tháng 4 tới trung tuần tháng 5/2024, song tăng trưởng không đồng đều tại các khu vực, rủi ro suy thoái vẫn còn, chi tiêu bán lẻ không đổi cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt sâu.

Trong hơn 1 tháng qua, nền kinh tế chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ so với giai đoạn trước đó, nhiều khu vực ghi nhận tình trạng chi phí đầu vào tiếp tục tăng, đặc biệt là bảo hiểm và nhiên liệu, đồng thời dự báo xu thế này có thể kéo dài thêm một thời gian nữa trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều ngưỡng mục tiêu 2% của Fed.

Sách Begie tháng 5 đánh giá thị trường lao động tại Mỹ có chút khởi sắc khi việc làm tăng trưởng nhẹ. Hầu hết các khu vực của nền kinh tế, trừ một số ngành công nghiệp, không còn phải đối mặt với tình trạng quá khan hiếm lao động; tăng trưởng tiền lương đạt mức trung bình và về ngang mức trước đại dịch COVID-19 tại một số khu vực. 

Trước tình hình trên, Giám đốc đầu tư Mỹ Bret Kenwell tại công ty dịch vụ tài chính và đầu tư eToro cho biết, các quan chức Fed "sẽ cần thấy xu hướng giảm lạm phát bền vững để cảm thấy đủ tự tin hạ lãi suất mà không lo lạm phát quay trở lại".

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 5 năm, một chỉ báo cho lãi suất, giảm xuống do kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Theo số liệu chính thức, tại châu Âu, lạm phát tiêu dùng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng nhanh hơn dự kiến lên 2,6% trong tháng 5/2024, sau mức tăng 2,4% trong tháng 4/2024. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự kiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới.

Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,5% lên 8.275, điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,2% lên 7.992,87 điểm. Còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt đi ngang ở mức 18.497,94 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 ở mức 4.983,67 điểm.

Điểm lại thị trường chứng khoán thế giới trong tuần qua: mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 27/5, thị trường chứng khoán châu Âu đi lên giữa bối cảnh giao dịch diễn ra thưa thớt trong kỳ nghỉ lễ và các nhà đầu tư chờ đợi số liệu mới về lạm phát để biết có thông tin rõ ràng hơn về triển vọng lãi suất.

Tâm lý của nhà đầu tư hai bờ Đại Tây Dương đã diễn biến ngược chiều liên quan đến thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuần trước, niềm tin của thị trường đã chịu sức ép sau khi các quan chức Fed cảnh báo họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy giá cả đang được kiểm soát. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng cơ quan này có thể sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tình hình càng trở nên phức tạp trước những số liệu cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn mạnh mẽ, dù chi phí đi vay giữ ở mức cao nhất trong 20 năm.

Trong khi đó, các chỉ số chính trên sàn chứng khoán châu Âu nhận được lực đẩy nhờ sự sụt giảm nhẹ của lãi suất trái phiếu, cũng như đồn đoán ngày càng tăng rằng ECB có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 6/6.

Trong phiên 28/5, các thị trường chứng khoán thế giới đa phần đi xuống, khi các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này. Phố Wall đã có một ngày giao dịch khá trái chiều khi thị trường hoạt động trở lại sau ba ngày nghỉ lễ cuối tuần.

Sang đến phiên 29/5, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm điểm do các nhà đầu tư chốt lời sau khi tín hiệu từ các ngân hàng trung ương càng làm giảm hy vọng về khả năng cắt giảm lãi suất. Lo ngại về kinh tế Mỹ kéo Phố Wall giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 30/5.

Các chỉ số chính trên Phố Wall giảm điểm giữa những lo ngại Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao do lạm phát dai dẳng. Chuyên gia Jack Ablin của công ty quản lý tài chính Cresset Capital cho rằng đà giảm của chứng khoán đều liên quan đến tỷ lệ lãi suất, khi ngày càng có nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ không cắt giảm trong năm nay.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong quý I/2024, kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,3%, thấp hơn ước tính 1,6% được công bố vào tháng trước.

Ông Mark Hackett, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại công ty tư vấn đầu tư Nationwide, nhận định thông thường, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục khi số liệu GDP đánh đi tín hiệu nền kinh tế giảm tốc và thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất. Song, phiên 30/5, thị trường đã không phản ứng theo hướng này.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm sau số liệu về GDP, trong khi khả năng Fed giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 9/2024 đã tăng từ mức 48,7% lên 50,4%.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)
Vàng thế giới tăng giá gần 2% trong tháng 5
Vàng thế giới tăng giá gần 2% trong tháng 5

Kết thúc ngày 31/5, giá vàng thế giới giảm nhẹ sau khi số liệu lạm phát Mỹ trong tháng 4/2024 vẫn giữ nguyên so với tháng trước và chi tiêu tiêu dùng suy giảm khiến kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay bị giảm bớt. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN