Đà tăng này được củng cố sau khi đồng USD phục hồi trong tuần này, bất chấp những tin tức trái chiều về chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ban đầu, đồng USD có khả năng giảm xuống mức thấp nhất một tuần vào đầu tuần này, khi thị trường phản ứng với thông tin từ tờ Washington Post cho rằng ông Trump có thể sẽ không theo đuổi kế hoạch thuế quan mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, đồng USD đã bật tăng trở lại sau bài báo của CNN về khả năng ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế để áp đặt thuế quan toàn diện.
BofA chỉ ra rằng đồng USD đã tăng mạnh kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ, từ một mức vốn đã cao. Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị “đồng bạc xanh” so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng gần 9% so với mức thấp được ghi nhận hồi tháng 9/2024 và tăng hơn 5% kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ. BofA ước tính đồng USD đã kết thúc năm 2024 ở mức cao nhất trong 55 năm, đánh dấu xu hướng tăng giá dài nhất của đồng tiền này trong mấy chục năm gần đây, bắt đầu từ giữa năm 2011.
Hai yếu tố chính được cho là đã thúc đẩy đà tăng của đồng USD: chiến thắng của ông Trump và đảng Cộng hòa, cùng với việc điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Fed) trước bối cảnh dữ liệu kinh tế tích cực. Theo ông Blake Millard, Giám đốc đầu tư tại Sandbox Financial Partners, sự vượt trội của Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, hiệu suất thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ đã thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào Mỹ.
Thậm chí, những dữ liệu tưởng chừng tiêu cực, như áp lực lạm phát dai dẳng, cũng có thể có lợi cho đồng USD. Dữ liệu mới được công bố trong tuần này cho thấy giá cả trong lĩnh vực dịch vụ tăng vọt lên mức cao nhất gần hai năm trong tháng 12/2024, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc. Điều này khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, qua đó củng cố sức mạnh của đồng USD. Theo công cụ FedWatch của CME, hiện thị trường dự đoán chưa đến 50% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất trước cuộc họp tháng 6/2025.
Ông Millard cũng lưu ý rằng với việc Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác, sự chênh lệch lãi suất sẽ tiếp tục có lợi cho đồng USD. Thêm vào đó, chính sách thuế quan sẽ hạn chế dòng chảy hàng hóa, giảm lượng USD lưu thông ra nước ngoài và làm giảm nhu cầu đối với ngoại tệ.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế đều cho rằng kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Dự đoán này cũng góp phần duy trì tâm lý lạc quan về “đồng bạc xanh”.
Tuy nhiên, triển vọng của đồng USD vẫn tiềm ẩn rủi ro, phần lớn phụ thuộc vào những chính sách còn chưa rõ ràng của chính quyền Trump. BofA dự báo đồng USD sẽ duy trì sức mạnh trong ngắn hạn nhờ các chính sách gây lạm phát của Mỹ, đặc biệt là thuế quan, nhưng sau đó đồng tiền này có thể suy yếu khi những chính sách này bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, trong khi các nền kinh tế khác có những động thái đáp trả.
Một số chuyên gia cho rằng thị trường đã phản ứng thái quá với những tin đồn chính sách có khả năng không trở thành hiện thực.
Theo ông Millard, đồng USD hiện đang ở một điểm quan trọng. Nếu tiếp tục tăng giá, các tài sản có độ rủi ro cao sẽ chịu áp lực và thị trường sẽ trở nên bất ổn. Đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, do tăng trưởng lợi nhuận chậm lại và tỷ giá chuyển đổi bất lợi. Ngược lại, nếu đồng USD ổn định hoặc giảm giá, thị trường chứng khoán có thể sẽ khởi sắc.