Quyết định hạ lãi suất nằm trong chiến lược nới lỏng tiền tệ của ECB, trong khi ngăn chặn lạm phát tăng trở lại.
ECB vẫn tin tưởng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2%, trong khi quá trình phục hồi kinh tế được cho là "mong manh", với những rủi ro đối với tăng trưởng vẫn nghiêng về nguy cơ sụt giảm.
Các thành viên Hội đồng điều hành ECB lạc quan cho rằng lạm phát giảm ổn định, với số liệu gần đây củng cố niềm tin mục tiêu 2% có thể đạt được “một cách bền vững và kịp thời” vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng điều hành ECB cũng lưu ý rằng "lạm phát toàn phần có thể sẽ tiếp tục biến động trong thời gian còn lại của năm 2024".
Trong khi đó, vẫn có những lo ngại về lạm phát lõi dai dẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, khi vẫn cao kể từ cuối năm 2023.
Mặc dù tình hình lạm phát có những tiến triển, ECB nhấn mạnh còn quá sớm để khẳng định nỗ lực kiểm soát lạm phát đã hoàn thành.
Biên bản cuộc họp cũng nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế của Eurozone. Dự báo tăng trưởng cho năm 2024 và 2025 đã được điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó vào tháng 6/2024, phản ánh hoạt động kinh tế trì trệ và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Eurozone yếu đi.
Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn cũng làm giảm tiêu dùng và đầu tư, góp phần khiến tốc độ phục hồi chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
ECB thừa nhận những yếu tố này có thể khiến đà giảm tốc của kinh tế khu vực kéo dài.
Trong thời gian tới, ECB cho biết bất kỳ quyết định nào trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ diễn ra từng bước và phụ thuộc vào số liệu.
Ngoài các điều chỉnh về chính sách tiền tệ, các thành viên ECB nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách về tài chính và cơ cấu để tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của Eurozone.
Báo cáo mang tính bước ngoặt của cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi được công bố vào tháng trước cảnh báo rằng châu Âu có nguy cơ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc, trừ phi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và năng suất.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB kêu gọi các chính phủ thực hiện các chính sách nhằm tăng năng suất và khả năng cạnh tranh công nghiệp để bổ sung cho các chính sách tiền tệ.
Báo cáo nêu rõ quan điểm của ông Draghi cho thấy tầm nhìn dài hạn về những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt, với vấn đề căn bản là làm thế nào người châu Âu có thể kiểm soát được vận mệnh của chính mình.