Các yếu tố này bao gồm thông tin kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh, cùng kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga giúp bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu tăng chậm của Trung Quốc.
Theo đó, giá dầu Brent tăng 1, USD (tương đương 1,6%) lên 87,55 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 27/1. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) khi đóng cửa cũng tăng 1,48 USD (1,8%) lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 là 84,40 USD/thùng.
Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần trước. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng giảm 1,7 triệu thùng. Những diễn biến này đều trái ngược dự đoán của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters là cả hai đa phần không biến động.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Lipow Oil Associates nhận định việc lượng dự trữ các sản phẩm tinh chế giảm tiếp tục thúc đẩy thị trường dầu mỏ tăng giá. Giới giao dịch phần lớn không quan tâm đến dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 5,85 triệu thùng trong cùng giai đoạn, cao hơn dự kiến và tiếp sau mức giảm kỷ lục của tuần trước đó.
Những suy giảm trong dự trữ nhiên liệu của Mỹ đã giúp bù đắp một số lo ngại về nhu cầu, sau khi số liệu công bố hôm 9/8 của Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng Bảy của nước này giảm 18,8% so với tháng Sáu xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng Một.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá “vàng đen” là kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia. Quốc gia Vùng Vịnh sẽ kéo dài chương trình giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày thêm một tháng nữa, sang cả tháng Chín. Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng tới.
Bên cạnh đó, các thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 10/8 (giờ địa phương). Theo đánh giá thị trường, CPI tháng trước của Mỹ sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.