Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 90 xu Mỹ (1,13%) xuống 78,65 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,01 USD (1,34%) xuống 74,52 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên 27/8, giá dầu đã giảm hơn 2%, sau khi tăng 7% trong ba phiên trước và đạt hơn 81 USD/thùng đối với dầu Brent và 77 USD/thùng đối với dầu WTI.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này giảm 846.000 thùng xuống 425,2 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn so với dự đoán giảm 2,3 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó.
Bên cạnh đó, mối ko ngại về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc cũng tiếp tục gây sức ép lên giá dầu, khi dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc và nhu cầu dầu từ các nhà máy lọc dầu giảm. Nhà phân tích Amarpreet Singh, tại Barclays, nhận định nhu cầu tại Trung Quốc vẫn yếu và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu đáng tin cậy về đà phục hồi trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông vẫn là rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu. Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS, cho rằng những gián đoạn ở Libya có thể thắt chặt thị trường dầu, song trước tiên các nhà đầu tư muốn chờ sự sụt giảm xuất khẩu dầu thô của nước này.
Ông Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu và tư vấn kinh tế Matador Economics, đánh giá rằng rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục làm là nhân tố chi phối thị trường dầu thô thế giới.