Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.050 đồng/kg, giá bình quân là 7.814 đồng/kg, tăng 332 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 250 đồng/kg, ở mức 9.367 đồng/kg; giá cao nhất là 9.850 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.250 đồng/kg, giá bình quân 14.064 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.050 đồng/kg, giá bình quân 13.783 đồng/kg, tăng 133 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.850 đồng/kg, giá bình quân 13.467 đồng/kg, tăng 167 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất với 470 đồng/kg, giá trung bình là 14.710 đồng/kg. Riêng gạo lứt loại 1 tăng 4 đồng/kg, trung bình là 12.496 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa tăng khá mạnh so với tuần trước trung bình từ 700 - 900 đồng/kg như: Đài thơm 8 có giá từ 8.400 - 8.500 đồng/kg, OM 5451 từ 8.000 - 8.200 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, OM 18 từ 8.500 - 8.700 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng Tám, các địa phương Nam Bộ đã gieo cấy lúa Hè Thu đạt 1.548.432 ha tăng 0,5 % so với kế hoạch. Hiện các tỉnh thành đã thu hoạch 761.4 ha (chiếm 49,2%).
Hiện nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy nhanh gieo sạ lúa Thu Đông để né lũ. Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Thu Đông 2024 hiện đã xuống giống 89.804 ha/120.000 ha, đạt 74,8% so với kế hoạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Thu Đông né lũ. Đa số diện tích lúa Thu Đông trồng các loại giống lúa có chất lượng cao và cho năng suất cao như: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa 9. Tỷ lệ nhóm giống lúa chất lượng cao đạt trên 70%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 8, lúa Thu Đông đã gieo sạ 367.336 ha, tương đương 50,5 % so với kế hoạch.
Cùng với giá lúa gạo trong nước, giá gạo đang có dấu hiệu mạnh lên. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 570 USD/tấn, tăng so với mức 565 USD/tấn tuần trước. Các thương nhân Việt Nam cho biết nguồn cung trong nước thấp cùng với việc tăng cường giao hàng cho các thị trường chính như Indonesia và châu Phi đã thúc đẩy giá. Nhu cầu tăng cũng dẫn đến những số liệu xuất khẩu ấn tượng, với xuất khẩu gạo trong tháng 7/2024 của Việt Nam tăng 46,3% so với tháng trước đó, đạt 751.093 tấn.
Thái Lan cũng ghi nhận giá gạo tăng nhẹ. Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 567 USD/tấn so với mức 565 USD/tấn trong tuần trước. Tuy nhiên, thị trường vẫn tương đối yên ắng.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và dự báo khả quan về sản lượng của vụ mùa mới. Diện tích trồng lúa ở Ấn Độ mở rộng, báo hiệu sản lượng gạo có thể tăng trong thời gian tới.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện ở mức từ 536 - 540 USD/tấn, giảm so với mức từ 539 - 545 USD/tấn tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết lợi thế giá của gạo Ấn Độ so với các đối thủ Thái Lan và Việt Nam đã thu hẹp, dẫn đến xuất khẩu chậm lại.
Tỷ giá đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với các đồng tiền chủ chốt cũng tác động đến thị trường. Mặc dù điều này thường có lợi cho xuất khẩu, nhưng không đủ để bù đắp áp lực hiện tại trên thị trường.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ phần lớn giảm trong phiên ngày 16/8, và là tuần giảm thứ ba liên tiếp đối với ngô và đậu tương, trong bối cảnh nông dân đẩy mạnh bán nông sản dự trữ trước thềm vụ mùa bội thu tại Mỹ. Trong khi đó, giá lúa mỳ tăng do tình trạng mất mùa ở Pháp và Đức.
Cụ thể, giá lúa mỳ kỳ hạn tăng 1,75 xu lên 5,30 USD/bushel, trong khi ngô giảm 4,5 xu xuống 3,925 USD/bushel. Giá đậu tương giảm 11,5 xu xuống 9,57 USD/bushel, thậm chí giá loại nông sản này đã có lúc giảm xuống 9,55 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ ngày 2/9/2020.
Lúa mỳ Mỹ tiếp tục chịu áp lực từ vụ mùa bội thu tại khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, sản lượng lúa mỳ mềm của Pháp dự kiến ở mức thấp nhất kể từ những năm 1980 và sản lượng lúa mỳ tại Đức giảm đã hỗ trợ giá nông sản này.
Các nhà giao dịch cho biết, tâm lý lo ngại về tình hình nền kinh tế Trung Quốc lại nổi lên và nhu cầu đậu tương Mỹ của nước này giảm sút cũng gây áp lực lên giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê sáng 17/8 (theo giờ Việt Nam) tiếp tục tăng trên hai sàn giao dịch quốc tế. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 trên sàn London đã tăng 2,06% so với phiên trước, tương đương tăng 94 USD/tấn lên 4.665 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 9/2024 đứng ở mức 245,45 xu/lb, sau khi tăng 2,31% tương đương tăng 5,55 xu/lb so với cuối phiên trước.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê tăng nhẹ từ 100 - 200 đồng/kg, giao dịch trong khoảng 117.000 - 117.800 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 117.200 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông là 117.800 đồng/kg.