Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, toàn bộ mặt hàng trong nhóm đồng loạt giảm mạnh, dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, trên thị trường nông sản, giá ngô và lúa mì cũng nối dài đà suy yếu do triển vọng mùa vụ ở các nước sản xuất lớn được cải thiện. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,39% xuống mức 2.205 điểm.
Giá dầu thế giới tiếp tục suy yếu
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/10, thị trường năng lượng chìm sâu trong sắc đỏ. Trong đó, giá dầu thế giới tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch đầu tuần do dữ liệu nhập khẩu kém tích cực của Trung Quốc và dự báo kém lạc quan về nhu cầu dầu thô thế giới từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô WTI giảm 2,29% xuống 73,83 USD/thùng và dầu Brent giảm 2% về 77,46 USD/thùng.
Áp lực xuất hiện trên thị trường sau khi OPEC hạ ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong báo cáo tháng 10, đây là lần thứ 3 liên tiếp nhóm xuất khẩu thận trọng trong ước tính nhu cầu dầu toàn cầu. Cụ thể, OPEC cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu trong 2024 sẽ đạt 1,93 triệu thùng/ngày, thấp hơn 110.000 thùng/ngày so với ước tính được đưa ra trước đó trong tháng 9. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chiếm phần lớn trong đợt hạ cấp năm 2024 khi OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng của nước này xuống 580.000 thùng/ngày từ 650.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, các gói kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc dường như đang thất bại trong việc vực dậy niềm tin của thị trường. Số liệu nhập khẩu mới nhất đến từ quốc gia nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới cũng tiếp tục cho thấy những áp lực hiện tại của nền kinh tế nước này. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 chỉ tăng 0,3%, thấp hơn nhiều so với dự báo 0,9% của giới phân tích. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm cũng giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 10,99 triệu thùng/ngày do sự gia tăng sử dụng xe điện và tăng trưởng kinh tế chậm lại sau đại dịch.
Mặc dù vậy, những lo ngại về khả năng phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Iran ngày 1/10 có thể gây gián đoạn sản xuất dầu ở Trung Đông đã phần nào lắng xuống sau khi Mỹ kêu gọi Israel hiệu chỉnh phản ứng để tránh một cuộc chiến rộng lớn hơn. Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ quan ngại về việc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng nước này.
Giá ngô và lúa mì giảm mạnh
Phiên giao dịch ngày 14/10 chứng kiến sắc đỏ bao trùm thị trường nông sản. Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 đóng cửa phiên đầu tuần với mức giảm 1,8% xuống mức 160 USD/tấn, ghi nhận phiên suy yếu thứ ba liên tiếp do tình hình mùa vụ khả quan hơn ở các nước sản xuất lớn.
Tại Mỹ, thời tiết khô ráo tại Midwest - vùng trồng ngô trọng điểm của Mỹ trong tuần vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch. Dự kiến đây sẽ là vụ ngô lớn thứ 2 trong lịch sử của Mỹ góp phần giúp cho nguồn cung ngô toàn cầu dồi dào hơn trong năm tới.
Trong khi đó, tại khu vực Nam Mỹ, tình trạng khô hạn đã có sự cải thiện đáng kể ở cả Brazil và Argentina. Mưa đã xuất hiện ở Brazil trong cuối tuần trước và dự báo sẽ tiếp tục trong 10 ngày tới, giúp phục hồi độ ẩm đất và thúc đẩy hoạt động trồng đậu tương. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến triển vọng ngô vụ 2, vốn chiếm hơn 70% tổng sản lượng ngô hàng năm của Brazil, do cây trồng được gieo hạt và phát triển trong khung thời gian lý tưởng và cho năng suất tốt hơn khi được trồng sau vụ đậu tương thuận lợi.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản với mức giảm lên tới 2,3% về mức 215 USD/tấn. Bên cạnh áp lực từ đà giảm của giá ngô cũng như sự mạnh lên của đồng Dollar Mỹ, tình hình thời tiết được cải thiện ở Argentina cũng là nguyên nhân chính khiến giá lúa mì suy yếu. Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết lượng mưa kéo dài suốt tuần trước đã giúp ngăn chặn sự suy giảm năng suất lúa mì ở Argentina, đặc biệt tại tỉnh Santa Fe, một trong những tỉnh trồng lúa mì lớn nhất đất nước với lượng mưa từ 30-90 mm. Điều này đã xoa dịu lo ngại của thị trường về triển vọng mùa vụ ở Argentina và gây áp lực lớn lên giá lúa mì.